Hội chứng chân không yên – căn bệnh có thể khiến bạn “phát điên”

Hội chứng chân không yên (RLS) là hiện tượng hai chân luôn trong trạng thái muốn vận động do rối loạn của hệ thống thần kinh.
Những người bị hội chứng này thường có cảm giác khó chịu ở hai chân và có hành động không tự kiểm soát được để giải tỏa khó chịu này. Họ thường xuyên cảm thấy ngứa ngáy hoặc thấy như có kim châm vào chân. Cảm giác này tăng lên khi nghỉ ngơi, đặc biệt lúc nằm hay ngồi và ngay cả khi ngủ vào ban đêm.
Hầu hết những người bị RLS đều gặp khó khăn trong việc đi ngủ và duy trì giấc ngủ, dẫn đến tình trạng kiệt sức và mệt mỏi. Trong trường hợp nặng, RLS có thể dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ và thậm chí trầm cảm.
Nguyên nhân
1. Bệnh mãn tính
Trong nhiều trường hợp, di truyền đóng một vai trò nhất định trong việc gây ra RLS. Nhiều người bị RLS khi các thành viên trong gia đình cũng mắc phải chứng bệnh này.
Một trong những yếu tố khác có thể gây ra RLS là các bệnh mãn tính như bệnh Parkinson, suy thận, bệnh thần kinh ngoại vi và bệnh tiểu đường.
2. Thuốc 
Một số loại thuốc có thể khiến các triệu chứng của RLS thêm trầm trọng. Thuốc chống nôn, thuốc chống trầm cảm, thuốc dị ứng, thuốc chống loạn thần kinh đều chứa thành phần an thần và kháng histamine. Chúng chính là nghi phạm chính trong việc gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh trong khi ngủ. Do đó, trong nhiều trường hợp, người bị RLS bỗng có thể giảm hẳn các triệu chứng sau khi dừng các loại thuốc trên.
3. Mang thai
Một số phụ nữ cho biết họ bị RLS trong khi mang thai, đặc biệt trong 3 tháng cuối. Nguyên nhân có thể do một loạt các yếu tố như thiếu chất khoáng, những thay đổi nội tiết tố hoặc mất cân bằng nồng độ dopamine.
4. Giấc ngủ
RLS cũng có thể xảy ra do thiếu ngủ, mất ngủ hay không thể ngủ ngon. Theo nhiều trang web sức khỏe, cách tốt nhất để giảm thiểu các triệu chứng RLS là ngủ đúng giờ và ngủ sớm vào ban đêm, đồng thời tránh xa những tiếng ồn càng nhiều càng tốt.
5. Rượu
Các hợp chất trong rượu và thuốc lá cũng được cho là thủ phạm khiến bệnh RLS trầm trọng hơn. Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân bị hội chứng chân không yên không nên dùng quá nhiều rượu để các triệu chứng của bệnh không phát tác nặng hơn.
Các biện pháp đẩy lùi hội chứng chân không yên:
1. Mát-xa chân
Bạn hãy đẩy lùi hội chứng chân không yên bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ trong lối sống như vận động nhẹ nhàng, ngủ đúng giờ, đủ giấc và tránh xa rượu, thuốc lá.
Bạn cũng có thể xoa bóp chân thường xuyên để giảm bớt kích thích bằng các động tác kéo căng, uốn cong cổ chân, bắp chân trước khi đi ngủ.
2. Kiểm tra nguy cơ thiếu chất
RLS cũng có thể xảy ra vì cơ thể bạn bị thiếu chất dinh dưỡng. Đặc biệt, chất sắt đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh ra dopamine, một chất hóa học giúp não bộ kiểm soát được các chuyển động của cơ thể. Do đó, nếu bị RLS, bạn hãy nghĩ ngay đến nguy cơ thiếu sắt và có biện pháp bổ sung sớm.
3. Tắm nước nóng 
Bạn có thể làm giảm các triệu chứng bằng biện pháp thư giãn ngay tại nhà như đi tắm trước khi đi ngủ, ngồi thiền, tập yoga hoặc bấm huyệt.
4. Tập thể dục vừa phải
Nghiên cứu cho thấy những người bị RLS sẽ có thể cải thiện tình hình bệnh tật chỉ với 30 phút tập thể dục hàng ngày. Điều này giúp bạn tránh được sự mệt mỏi và có giấc ngủ tốt hơn. Đi bộ, chạy bộ, tập yoga, thể dục nhịp điệu có thể giúp đôi chân của bạn khỏe khoắn hơn nhiều.
Hội chứng chân không yên - căn bệnh có thể khiến bạn 'phát điên'
Thụy DuDịch theo LT

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.