Đức sẽ đầu tư 3 triệu euro cho dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng Việt Nam”. Năm 2010 là năm đa dạng sinh học (ĐDSH) toàn cầu và dự án này là một nỗ lực trong việc bảo tồn ĐDSH, đặc biệt là các nguồn gen quý đang bị đe dọa ở Việt Nam.
Việt Nam đã được công nhận là quốc gia có tính ĐDSH cao trên thế giới và là một trong những nước được ưu tiên cho bảo tồn toàn cầu. Sự đa dạng về địa hình, đất đai, cảnh quan và khí hậu là cơ sở rất thuận lợi, tạo nên tính đa dạng của cả hệ sinh thái, loài và nguồn gen của Việt Nam.
Ngày 8/12, Vụ bảo tồn thiên nhiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức tại Việt Nam (GTZ) đã tổ chức lễ ra mắt dự án: “Bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng Việt Nam”. Dự án được Bộ NN&PTNT và GTZ chính thức ký kết 1 tháng trước, vào ngày 8/11.
Dự án bảo tồn ĐDSH các hệ sinh thái rừng Việt Nam giai đoạn I được thực hiện từ tháng 8/2010 – 7/2013 với tổng vốn đầu tư trên 3 triệu euro, trong đó 3 triệu euro là đóng góp của phía Đức; Việt Nam đóng góp nguồn vốn đối ứng là 300.000 euro. Sau khi thực hiện giai đoạn I thành công sẽ tiếp tục giai đoạn II và III.
Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực bảo tồn ĐDSH và bảo vệ hệ sinh thái rừng Việt Nam, đặc biệt ở cấp quốc gia và tại các khu bảo tồn thiên nhiên. Giai đoạn đầu của dự án sẽ được thực hiện thí điểm tại VQG Ba Bể (Bắc Kạn), khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang (Tuyên Quang), khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và Pù Luông (Thanh Hóa), Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế) và các vùng đệm thuộc các vườn quốc gia, khu bảo tồn này.
Tiến sĩ Riethmacher Guenter – Giám đốc trưởng đại diện GTZ Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi hi vọng dự án sẽ tạo ra những tác động tốt tới việc bảo tồn ĐDSH như các dự án khác mà Đức đã thực hiện tại Việt Nam”.
Năm 2010 là năm quốc tế đa dạng sinh học toàn cầu. Dự án bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng Việt Nam thể hiện nỗ lực bảo tồn ĐDSH của Việt Nam và cũng là sự đóng góp tích cực của Đức trong việc giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam bảo tồn ĐDSH và đặc biệt là bảo tồn các nguồn gen quý.
Trong các hệ sinh thái trên cạn, đã thống kê và xác định được trên 13.200 loài thực vật, khoảng 10.000 loài động vật. Trong các vùng đất ngập nước nội địa, đã xác định được trên 3.000 loài thuỷ sinh vật.
Môi trường biển với 20 kiểu hệ sinh thái đặc thù, đặc trưng cho biển nhiệt đới và là môi trường sống của trên 11.000 loài sinh vật biển. Khoảng hai thập kỷ gần đây, rất nhiều loài động, thực vật mới được phát hiện và mô tả, trong đó có nhiều chi và loài mới cho khoa học; đặc biệt là các loài thú và các loài cây thuộc họ Lan.
Ở Việt Nam, các hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và văn hoá của đất nước, thể hiện ở các giá trị chính là bảo vệ thiên nhiên và môi trường (giá trị về chức năng sinh thái); kinh tế (giá trị sử dụng trực tiếp và gián tiếp); và văn hóa, xã hội.
ĐDSH đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu.
Hiện nay, hơn 25 triệu người đang sinh sống tại các vùng đệm và trong các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Chính điều này gây sức ép rất lớn tới việc bảo tồn ĐDSH. Ông Nguyễn Đức Nghị – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: “Các khu rừng đặc dụng Việt Nam đang bị suy thoái nghiêm trọng do rất nhiều sức ép: các hoạt động phát triển kinh tế, đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, việc khai thác gỗ, lâm sản, săn bắt động vật hoang dã và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu”.
Theo Vietbao