Họp đầu tuần: Ác mộng của nhân viên mẫn cán!

Không ít sếp thích được thể hiện “quyền uy” bằng những cuộc họp. Nhưng không phải nội dung nào cũng đáng để họp. Thế nên, những cuộc họp chợt trở thành một thời khắc “thảm họa” cho những người yêu thích công việc.

Ngày đầu tuần là thời điểm lý tưởng cho các…cuộc họp. Đầu tiên là họp để nhận xét công việc tuần trước. Sau đó, họp để bàn kế hoạch tuần sau, họp để phân công công việc, họp để “kiểm điểm” ai đó làm việc chưa thực sự tập trung, hay họp để bàn về các cuộc họp tiếp theo sẽ được tổ chức… Họp, họp, họp cứ lặp lại liên tục trong ngày thứ 2 đầu tuần.

Họp làm công việc đình trệ. Họp làm lãng phí thời gian làm việc của nhân viên. Trong khi xã hội vận động không ngừng, mỗi phút giây trôi qua là những cơ hội kiếm tiền vụt qua trước mắt thì những cuộc họp triền miên trong tuần có thể làm thiệt hại khủng khiếp cho công ty.

Đó là chưa kể đến tâm lý chán nản và sợ hãi của nhân viên khi suốt ngày phải đi ngồi để…họp. Tất nhiên, họp càng nhiều, nói càng nhiều thì nội dung càng nhạt. Người nói có thể vẫn hăng say nhưng người nghe thì đã có thể “nhìn hình đoán chữ”. Tuần nào cũng chừng ấy nội dung, chừng ấy con người, chứng ấy ý kiến phát biểu.

(Ảnh minh họa)

Đương nhiên, những người “thích nói” vẫn cứ nói còn những người chỉ làm “quan sát viên” vẫn lặng lẽ như cái bóng dù ai đó cố “moi móc”, động viên đưa đưa ra sáng kiến.  Với những người thích làm việc hơn nói, phải ngồi nghe những lời phát biểu nhàm chán, sáo rỗng là một ác mộng. Nhiều nhân viên bị ám ảnh bởi các cuộc họp vào mỗi ngày thứ hai. Không ít người đã chọn giải pháp để “tự giải thoát” mình khỏi các cuộc họp.

Nhưng sếp thì vẫn cứ thích họp. Hình như với sếp, các cuộc họp chính là “chìa khóa vàng” giúp đem đến thành công. Đa phần những sếp thích họp thường coi trọng hình thức, thích bề nổi nhưng có phần hời hợt khi tổ chức công việc. Vì vậy, họ cần thể hiện quyền uy và khả năng lãnh đạo của mình qua những buổi họp.

Không chỉ thể hiện quyền uy, những vị lãnh đạo thích họp luôn thể hiện mong muốn xây dựng một môi trường dân chủ. Ở đó, mỗi người đều có “quyền” được nói, quyền được tham gia phát biểu ý kiến, đưa ra sáng kiến để xây dựng công ty. Sếp luôn thể hiện mong muốn mỗi nhân viên là một “nhà phát minh”. Tuần nào cũng cần một sáng kiến mới, một phát minh mới để xây dựng và phát triển công ty.

Nhưng sức sáng tạo của những cuộc họp thường khá hạn chế. Bởi không ai đủ sức sáng tạo liên tục, hết ngày này sang ngày khác, tuần này sang tuần khác. Việc đòi hỏi nhân viên tuần nào cũng phải có sáng kiến, có phát minh là điều không tưởng. Áp lực phải sáng tạo không ngừng trong các cuộc họp vô tình khiến nhân viên bị stress. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc.

Như vậy, họp vừa lãng phí thời gian chung vừa gây tâm lý chán nản, căng thẳng cho nhân viên. Nhưng các cuộc họp vẫn liên tục diễn ra và nhân viên lại phải căng đầu, căng mắt chống chọi với các cuộc họp trong ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ cuối tuần.

Dường như những sếp thích họp khá “mù mờ” về công nghệ thông tin. Bởi trong thời đại công nghệ số như hiện nay, các cuộc họp online vừa tiết kiệm thời gian, vừa không gây ra tâm lý chán nản, căng thẳng cho những nhân viên mẫn cán.

Giảm bớt họp hành, giảm bớt yêu cầu đề ra “sáng kiến” và thay vào đó là những việc làm cụ thể, thiết thực sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của công ty. Chỉ khi, giảm bớt họp hành, mỗi ngày đi làm mới có thể trở thành “một ngày vui”.

Quốc Khánh

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.