Một trong những điều tuyệt vời nhất hôn nhân mang lại là sự thoải mái, cảm giác bạn có thể chia sẻ với ông xã bất cứ điều gì. Nhưng nếu bạn không biết giữ mồm, có những “sự thật xấu xí” sẽ gây tổn thương chứ chẳng đem lại gì tốt đẹp.
-
1
“Có, em có lên đỉnh đấy!” (trong khi thực tế thì không)
Nói dối chẳng bao giờ hay cả, đặc biệt trong chuyện gối chăn. Gần gũi vợ chồng có thể được định nghĩa là cho nửa kia nhìn thấy “gót chân asin” của bạn, sự mong manh của bạn, bao gồm cả thừa nhận rằng đời sống tình dục của bạn có thể đang cần được giúp đỡ.
Khi đánh lừa đối tác rằng mình rất thích chuyện ân ái đang diễn ra giữa hai người, có thể bạn nghĩ làm vậy là tôn trọng cảm xúc của anh ấy, nhưng thực tế, bạn đang đẩy anh ấy ra xa chính vì sự thiếu trung thực của mình.
Bạn sẽ không “đánh lừa” anh ấy được lâu. Sự nghi ngờ sẽ khiến anh ấy không ngừng đặt ra câu hỏi với bạn.
Khi tiếp cận chủ đề này, hãy bắt đầu với thái độ tích cực, bày tỏ sự cảm kích của bạn trước sự nhọc công tìm hiểu của anh ấy. Sau đó, khi hai người không phải đang trên giường và quần áo vẫn còn nguyên, hãy nói với anh ấy vài điều bạn thích trong “chuyện ấy”, những điều bạn muốn thử lần tới để có thêm kinh nghiệm cho cả hai người.
Nhớ là hết sức tránh đổ lỗi. Bằng cách nhấn mạnh điều gì khiến bạn hưng phấn và điều gì hai người có thể cùng làm trong lần ân ái sau, bạn vẫn tôn trọng cảm xúc của anh ấy mà không phá hỏng chuyện yêu giữa hai người.
-
2
“Anh giống hệt cha mình vậy”
Cách nói này mang hàm ý coi thường và khiến người nghe khó chịu. Bạn có thể khiến anh ấy lo sợ rằng mình mang những đặc điểm xấu nhất của nhà nội.
Nếu bạn định đưa ra một lời phê bình thế này, hãy ngừng lại ngay và nghĩ về điều gì ẩn sau đó: Có thể cha chồng bạn là mẫu người chẳng bao giờ dọn dẹp, nhưng việc chồng bạn có thói quen vứt bát đĩa bẩn quanh nhà lại có thể là vì bạn.
Lần tới, thay vì cáu bẳn cằn nhằn, hãy thử đưa ra yêu cầu một cách tích cực hơn: “Anh yêu, anh để bát vào bồn sau khi ăn xong giúp em được chứ?”.
-
3
“Bao giờ anh mới tìm việc khác?”
Trước tiên hãy nghĩ xem tại sao bạn cần anh ấy đi tìm việc làm mới đến thế? Bạn ghét việc anh ấy thường xuyên xa nhà? Bạn có nghĩ anh ấy nên đi xa để thăng tiến sự nghiệp tốt hơn không? Anh ấy không mang đủ tiền về nhà? Trước khi nói bất cứ điểu gì có thể gây tổn thương, hãy nghĩ xem vấn đề của riêng bạn là gì đã.
Hãy thật cẩn trọng để không xúc phạm đến khả năng nuôi vợ con của chồng, bởi người đàn ông đánh giá bản thân một phần qua khả năng nuôi sống gia đình của anh ta đấy. Để làm được điều này, hãy thường xuyên nói chuyện với nhau về công việc của hai người, ước mơ sự nghiệp và ngân sách liên quan. Nếu thu nhập thực sự là vấn đề, đây là cơ hội để nói về cách sống của hai người và cách mà bạn muốn sống. Điều quan trọng là tránh công kích, thay vào đó, hãy cùng giải quyết vấn đề, tạo ra cuộc sống mà cả hai người mong muốn.
-
4
“Mẹ em đã cảnh báo là anh sẽ như thế!”
Bạn đang cố tỏ cho chồng thấy mình có “đồng minh” khác. Không khôn ngoan đâu, vì chàng cũng sẽ hiểu rằng bạn không ở “phe” chàng, bạn không đứng về phía mối quan hệ của hai người.
Nếu thực sự có điều gì đó về chàng đúng như mẹ bạn đã nói, hãy tìm cách diễn đạt khác. Ví dụ mẹ bạn từng nói chàng keo kiệt, bạn hãy bảo: “Sao đôi lúc em thấy anh có vẻ lưỡng lự trong việc chi tiêu cho những điều thiết yếu của chúng mình nhỉ?”.
Cách đó, bạn vừa mở ra một cuộc thảo luận về vấn đề tiền bạc. Dù sao thì thảo luận và tìm ra phương án giải quyết cũng giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn là buông ra những lời có sức sát thương lớn.
-
5
“Thôi anh bỏ ra, em sẽ tự làm được”
Câu nói này gây tổn thương cả 2 hướng. Thứ nhất, nó động chạm tới chồng bạn với tư cách người trụ cột, người nuôi sống, người che chở cho gia đình. Thứ hai, nó gợi ra suy nghĩ rằng sự nỗ lực của chàng là vô ích. Nếu bạn thường xuyên nói với chồng câu này, có ngày phải nhận quả đắng. Anh ấy sẽ nghĩ “mình chẳng làm được gì nên hồn, chẳng bao giờ làm hài lòng cô ấy” và không còn xắn tay giúp bạn bất cứ chuyện gì.
Có một lựa chọn cho cách cư xử tốt hơn: Nếu anh ấy đang dở việc mà bạn nghĩ làm thế thì không ổn, cách làm của anh ấy khác bạn, hãy đánh giá xem cứ để anh ấy làm tiếp thì có sao không. Nhớ rằng, chỉ vì anh ấy thực hiện một công việc theo cách không giống bạn chưa chắc đã là anh ấy làm sai. Xét cho cùng, anh ấy cũng là người lớn như bạn vậy.