Một khi lửa tình yêu không còn đủ để sưởi ấm hai nhịp đập trái tim, hôn nhân sẽ đứng bên bờ tan vỡ.
-
1
Không còn nói lời yêu thương ngọt ngào
Những lời yêu thương ngọt ngào như gia vị thiết yếu tạo nên mối hài hòa cho cả hai phía. Gia đình có hạnh phúc, tràn ngập niềm vui, tiếng cười hay không phần lớn phụ thuộc vào thái độ “vun vén” của hai người, mà những lời nói yêu thương ngọt ngào không những giải tỏa vấn đề tâm lý mà còn là liều thuốc hữu hiệu “làm hài lòng” cuộc sống chốn the phòng.
Một khi những lời yêu thương không còn nữa, thay vào đó là những câu kiệm lời, vô hồn thì bạn nên coi chừng, phải chăng chàng/ nàng đã “chán” bạn, chán cuộc sống gia đình?
Vẫn biết rằng, những toan tính của cuộc sống đời thường luôn tìm cách tranh chỗ những lời yêu thương. Nhưng hãy tạm quẳng đi những bộn bề ấy, dành vài lời khích lệ, yêu thương cho đối phương để hai bên cùng lấy lại tinh thần cùng nhau vượt khó.
-
2
Vùi mình vào công việc, các mối quan hệ xã giao
Cả hai vợ chồng đều có những công việc, mối quan hệ xã hội riêng tư. Tuy nhiên, nếu muốn cuộc sống gia đình hạnh phúc thì không nên chú tâm thái quá đến những hoạt động ấy, mà nên dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Vùi mình vào công việc, các mối quan hệ bên ngoài không những là phương thức “lảng tránh” đối phương “hợp tình hợp lý” mà còn tạo cơ hội tiếp xúc thân mật với “đối tượng mới”. Khi tình cảm vợ chồng nguội lạnh, người trong cuộc có thể tạo ra hàng ngàn lý do để tránh né, để viện cớ chia tay mà ít làm tổn thương đối phương. Vùi mình vào công việc cũng là một trong những lý do ấy.
-
3
Xấu hổ khi lộ ảnh chụp đôi
Từ nỗi chán người chuyển sang ghét những đồ vật có liên quan đến người. Nếu tình yêu không còn mặn nồng, thì những bức ảnh vốn dĩ xưa kia được treo ngay ngắn, trang trọng ở những nơi gây sự chú ý của mọi người, nay sẽ lạc lõng, xiêu vẹo trong góc khuất nào đó.
Lúc này, thay vì đặt ra hàng loạt những câu hỏi nghi vấn, bạn nên tinh ý xem lại cách cư xử thường ngày của bản thân. Soi lại mình để thấy được đáp án chính xác nhất. Từ đó, bình tĩnh, sáng suốt lập kế hoạch phá tan mọi mâu thuẫn, tự tin lấy lại tình cảm yêu thương ngày nào.
-
4
Thường hay nhắc đến sự chia ly
Khi đối phương bóng gió về “ngày ra đi” chứng tỏ hôn nhân đã chuyển sang nguội ngắt. Tuy nhiên, đó chưa phải là thực tế. “Còn nước còn tát”, nếu không muốn cuộc hôn nhân mà bạn đã cố gắng xây dựng bấy lâu đổ vỡ, hãy thật bình tĩnh, tinh tế để giải quyết mọi vấn đề. Nên dành thời gian quan tâm chăm sóc đối phương nhiều hơn nữa, tâm sự nhiều hơn để hiểu nhau, hiểu ra nguyên nhân của những lời bóng gió.
-
5
Không thích gần gũi đối phương
Khi lửa tình đã tắt, chồng/ vợ luôn tìm cách lẩn tránh đối phương, viện lý do công việc mệt mỏi, bận rộn không có thời gian quan tâm, gần gũi nửa kia là một trong những dấu hiệu đáng cảnh tỉnh.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân tâm sinh lý gây cảm giác sợ hãi, không dám, hay không muốn gần gũi bạn đời như bất lực, đuối sức, không tự tin… Do đó, bạn cần làm rõ mọi vấn đề còn khúc mắc để có quyết định sáng suốt nhất.
-
6
Không còn giận hờn hay cãi vã
Đừng tưởng rằng, không còn giận hờn hay cãi vã là mọi thứ đã yên ổn, tình cảm lại thắm nồng hơn xưa. Hãy đặc biệt cảnh giác vấn đề này, bởi đây là tín hiệu xấu nhất, báo hiệu sự đổ vỡ của hôn nhân. Khi còn giận hờn, còn cãi vã, chứng tỏ hai bên vẫn thể hiện sự quan tâm nhất định nào đó. Ghét cũng bởi vì yêu, mà có yêu thì mới ghét, đó là tâm lý chung.
Khi không còn bất kỳ mối ràng buộc nào, im lặng là cách giải quyết tốt nhất. Bởi biết nói gì khi mọi thứ đã nguội lạnh, tẻ nhạt? Lặng im để đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ đang rạn vỡ. Bạn nên đặc biệt lưu ý dấu hiệu nghe có vẻ vô lý này, nhưng lại vô cùng chính xác.