Indonesia vừa đưa vào hoạt động hệ thống cảnh báo sóng thần mới. Hệ thống này được thiết kế để giúp người dân vùng bờ biển có đủ thời gian sơ tán trước khi sóng thần ập đến.
Hệ thống này được triển khai sau khi trận sóng thần năm 2004 tàn phá Indonesia khiến 250.000 người thiệt mạng, trong đó có hơn 1/2 là người dân ở tỉnh Aceh. Nó đã được Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono khai trương tại thủ đô Jakarta vào hôm qua (11-11).
Tuy nhiên các chuyên gia tham gia xây dựng hệ thống này thừa nhận tại một số khu vực, trong đó có tỉnh Aceh, sẽ không được bảo vệ hoàn toàn nhờ hệ thống này.
Lý do, theo tiến sĩ Lauterjung, một người phát ngôn chính phủ Đức tham gia hỗ trợ dự án, các phao ngoài khơi – có “nhiệm vụ” phát hiện sự thay đổi của mực nước biển – chưa được lắp đặt quanh các đảo Bali, Flores và phía bắc đảo Sumatra, dẫn đến chậm trễ trong dự báo sóng thần.
Ngoài ra, vẫn còn khoảng 1/3 các máy đo địa chấn thuộc dự án chưa được lắp đặt.
Còn theo tiến sĩ Sri Woro, Giám đốc Cơ quan khí tượng Indonesia, vẫn còn “những vấn đề về cơ sở hạ tầng” khiến hệ thống các cảm biến và trạm phát hoạt động chưa thật sự ăn khớp. Dự kiến đến năm 2010, hệ thống mới được hoàn chỉnh.
Từ sau thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương cách đây bốn năm, Indonesia đã trải qua hai đợt sóng thần khác dọc bờ biển Java và Sumatra, trong đó có một trận (xảy ra vào tháng 9 năm ngoái) được hệ thống cảnh báo mới nói trên dự báo thành công.
Hệ thống cảnh báo sóng thần mới của Indonesia được xây dựng dưới sự giúp đỡ của nhiều nhà viện trợ nước ngoài, trong đó có Đức, Nhật Bản và Trung Quốc.
Trung tâm cảnh báo sóng thần mới tại Jakarta (Ảnh: AFP) |
Theo Tường Vy – Tuổi trẻ online (BBC)