Chỉ trong vòng 3 ngày, hai con cá mập lớn – một con dài 13m, nặng 4 tấn và một con dài 9m, nặng 2 tấn – được tìm thấy dạt vào bờ ở khu vực Yogyakarta, Indonesia. Cả hai con đều chết sau đó.
Hai con cá mập thuộc loài cá mập có tên khoa học Rhincodon typus. Đây là loài cá mập cực lớn sống ở vùng biển ấm, thân dài tới 15m và có đốm trắng.
Người dân và các nhóm cứu hộ đang kéo con cá
mập bị mắc cạn ra biển hôm 4/8 – (Ảnh: Reuters)
Theo The Jakarta Post, đêm 3/8, một người dân địa phương đã tìm thấy một con cá mập dài 9m, nặng 2 tấn bị mắc cạn trên bãi biển Parangkusumo, Kretek, Bantul, Yogyakarta. Các ngư dân sau đó đã tìm cách kéo nó trở ra biển, nhưng nó đã chết.
Trước đó hôm 1/8, ở một bãi biển cách Parangkusumo 10km về phía tây, một con cá mập dài 13m, nặng 4 tấn cũng được phát hiện dạt vào bờ và cũng chết sau đó.
Chuyên gia hệ động vật Donan Satria Yuda thuộc Trường Sinh học của ĐH Gadjah Mada cho rằng có thể hai con cá mập này bị mắc cạn lúc đang săn các loài cá nhỏ và sinh vật phù du ở vùng biển phía nam Yogyakarta, do chúng là loài thích bơi gần bờ.
Tại Indonesia, cá mập Rhincodon typus được xếp vào nhóm loài có nguy cơ tuyệt chủng. Do đó khi nghe tin cá mập mắc cạn, hôm 4/8, nhiều người dân đã đổ xô tới xem và chụp ảnh.
“Tôi biết tin cá mập mắc cạn trên Twitter, và tôi đến đây vì muốn được nhìn tận mắt sinh vật mà tôi chưa bao giờ được thấy trước đó”, một người dân tên Kricak Johan nói.
Con cá mập bị mắc cạn trên bãi biển Parangkusumo – (Ảnh: news.cn)
Theo Tuổi Trẻ