Hoefler vừa cho ra mắt Inkwell – Font Comic Sans dành cho những người “căm thù” Comic Sans.
Khi John Pavlus – phóng viên của trang Wired.com đề cập đến bộ font Inkwell của anh, nhà thiết kế font Jonathan Hoefler tỏ ra thờ ơ: “Tôi đang chờ có ai đó so sánh chúng với Comic Sans đây”. Khó mà có thể không so bì chúng với nhau: Cả hai phông chữ đều được viết tay, dễ nhìn và chữ viết được thiết kế giống như được viết bằng bút bi hay bút dạ Sharpie.
Nhưng giữa chúng cũng có những điểm khác biệt rất rõ ràng. Hoffler nói: “Comic Sans muốn hướng đến sự gần gũi và chỉ toàn những tay nghiệp dư sử dụng. Tôi muốn Inkwell cũng có sự gần gũi nhưng phải dễ tương thích”. “Tiểu vũ trụ” của Inkwell bao gồm cả serif và sans, đi kèm với bốn phông chữ trang trí bao gồm mẫu font viết tay, một bộ font viết hoa lấy cảm hứng từ blueprint và thậm chí cả Blackletter (hay còn được gọi là font Gothic).
Nhưng tại sao anh lại thiết kế font chữ này? Hoefler nói rằng những font chữ viết tay giờ đây đã “vô cùng phổ biến”, “bởi vì chúng không thuộc về tổ chức nào. Chúng có thể lấp đầy khoảng trống mà những font chữ khác còn bỏ ngỏ”. Anh thậm chí còn dành sự tôn trọng cho Comic Sans: “Designer không thích nó nhưng người bình thường lại thích”.
Tuy vậy hầu hết các kiểu chữ viết tay đều mang duy nhất một độ đậm và phong cách. Đó là điều Hoefler cảm thấy bị hạn chế khi ông cho rằng font chữ viết tay thực sự có vô vàn các biểu đạt.
Các tác giả của bộ font Inkwell.
Anh giải thích: “Để thể hiện những gì phức tạp, bạn sẽ cần những bộ chữ có liên kết với nhau. “Các chữ in nghiêng có giá trị về cú pháp – không có chúng, bạn không thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Tương tự cho chữ in hoa nhỏ và in đậm. Tuy vậy một font chữ không thể biểu đạt những mối quan hệ đó để nhấn mạnh ngữ nghĩa. Inkwell thỏa mãn nhu cầu kinh điển của những tay chơi typography.”
Hoefler bắt đầu phác thảo Inkwell cách đây 12 năm và nói rằng bộ font serif là một “phiên bản lý tưởng hóa” từ chữ viết tay của chính ông: “Tôi không in bằng serif, nhưng nếu tôi viết cả một cuốn sách thì cuốn sách phải trông giống như vậy”. Phiên bản sans lấy cảm hứng từ chữ viết tay của Jordan Bell, một designer “nghiện viết tay” tại Hoefler & Co., “người luôn hí hoáy viết gì đó”. Inkwell Open – font chữ lấy cảm hứng blueprint được thiết kế dựa trên chữ viết tay của cha Hoefler, một nhà thiết kế phân cảnh. Còn font blackletter quyến rũ đó ư? Hoefler nói: “Giống như tôi đang cố gắng vẽ bảng chữ cái Gothic bằng một cây bút bi trên tờ hóa đơn thanh toán nhà hàng vậy.”
Inkwell, được mệnh danh là “Comic Sans cho người ghét Comic Sans”.
Trên thực tế, Hoefler và Bell đã phác thảo hàng loạt mẫu chữ khác nhau của Inkwell trên một chiếc iPad Pro – “đây là thiết bị kỹ thuật số đầu tiên đem lại cho tôi cảm giác như làm việc với giấy bút thật”, Hoefler nói. Ông và Bell vẽ phác nhiều lần những nét chữ cơ bản của Inkwell bằng ứng dụng Notability. Hoefler nói: “Ứng dụng vốn được thiết kế để đánh dấu tài liệu chứ không phải để vẽ. Nhưng hóa ra với sự tối giản về chức năng ấy, ứng dụng lại tương thích một cách hoàn hảo với Apple Pencil. Cuối cùng họ đã tạo ra một bộ font có thể đem lại “cảm giác không tội lỗi” khi dùng Comic Sans, nhưng với mức độ tinh xảo mà Robert Bringhurst – tác giả huyền thoại của cuốn The Elements of Typographic Style phải ca ngợi: “Quá huyền bí kỳ diệu đến mức nó khiến bạn phải đứng lại và ngả mũ thán phục”.
Giá như Inkwell được ra mắt từ 5 năm trước, khi hạt Higgs được phát hiện rầm rộ, các nhà khoa học chọn cách tiết lộ phát hiện của mình cho công chúng bằng cách giải thích tất cả bằng font Comic Sans. Dù sao thì thà muộn còn hơn không. Vì vậy, nếu lần tới một phát hiện xứng tầm Nobel cần được công bố – hoặc bạn chỉ muốn nói chuỵện với đồng nghiệp của mình mà không bị chế giễu – chỉ cần nhớ rằng, nhờ Inkwell, bạn sẽ có nhiều lựa chọn.