Chị Phương (Hà Nội) đã có 1 con trai 10 tuổi, kinh tế ổn định nên vợ chồng chị đang tính toán sẽ sinh thêm 1 đứa con nữa. Mặc dù đã tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể, tiêm chủng và thực hiện các cách để đảm bảo chất lượng tinh trùng và trứng nhưng anh chị vẫn chưa có tin vui. Theo dự kiến ban đầu, chị Phương định có thai vào mùa hè và sinh con vào khoảng sau Tết. Nhưng chỉ còn 8 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng chị Phương vẫn chưa có bầu.
“Lo lắng quá, tôi đi khám thì bác sĩ phát hiện tôi bị chỉ số prolactin cao. Theo lời bác sĩ thì khi chỉ số này cao có thể ngăn cản quá trình rụng trứng, ảnh hưởng đến việc thụ thai. Tôi có uống thuốc hạ chỉ số này nhưng cũng phải thêm một thời gian nữa mới có thai được”, chị Phương nói.
Kiểm tra prolactin để phát hiện nguy cơ vô sinh.
Còn anh Toàn (Nam Định) mới cưới vợ được 2 năm. Do điều kiện kinh tế và công việc chưa ổn định nên vợ chồng anh tính toán sẽ kế hoạch trong 1 năm đầu. Sau 1 năm, do thúc giục của 2 bên họ hàng nên vợ chồng anh chuẩn bị có thai. Tuy nhiên chờ 1-2 tháng, rồi 3-4 tháng mãi không có bầu như dự định. Họ hàng người bàn ra nói vào, có người độc miệng còn bảo do uống thuốc tránh thai quá nhiều nên mới dẫn đến như vậy. Vợ chồng anh Toàn trở nên lục đục vì chịu đựng cảnh áp lực từ nhiều bên.
“Tôi và vợ đã khám sức khỏe tiền hôn nhân, không hề có vấn đề gì. Đột nhiên khó có bầu như vậy lại phải đi khám lần nữa. Lần này, chỉ số prolactin của vợ tôi cao nên mới khó có thai. Cuối cùng mọi nghi ngờ được dỡ bỏ”, anh Toàn nói.
Phát hiện dấu hiệu mức độ prolactin cao
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Kim Dung (Chuyên khoa Sản – Trung tâm Y tế Thái Hà) cho hay, chị em có thể nhận ra dấu hiệu chỉ số prolactin cao bằng cách để ý những bất thường như vú tiết sữa dù không cho con bú hay sinh con, lượng kinh hàng tháng ít thậm chí không có kinh, mất đi ham muốn “chuyện ấy”, không rụng trứng…
“Đáng lo ngại là prolactin cao có thể khiến cho quá trình rụng trứng bị kìm hãm. Cũng có thể đáng lo hơn là prolactin cao nên dù có kinh đều, rụng trứng bình thường vẫn khiến lượng progesterone tiết ra không đủ, làm cho trứng đã thụ tinh không thể làm tổ hay bám vào thành tử cung”, bác sĩ Dung nói.
Prolactin cao có thể do có khối u của tuyến u, các khối u này có kích thước nhỏ, khó phát hiện hay do rối loạn các chức năng về sản xuất nội tiết. Các triệu chứng của prolactin cao không điển hình nên dễ bị bỏ qua. Bên cạnh đó, sự căng thẳng, mệt mỏi, chấn thương thành ngực kéo dài cũng có thể gây nên tình trạng này.
“Nguyên nhân dẫn đến prolactin cao cũng có thể do chế độ ăn của chị em quá kiêng khem. Khi ăn uống như vậy làm cho cơ thể hấp thu nhiều chất béo nên càng thừa cân, béo phì…mất cân bằng dinh dưỡng
Việc uống thuốc để hạ chỉ số prolactin là điều cần thiết nhưng sau khi uống hết thuốc phải thăm khám lại lần nữa để biết được chính xác liệu chỉ số như vậy đã về đúng ngưỡng yêu cầu hay chưa. Ngoài ra, cũng có thể dùng que thử thai để xét khả năng rụng trứng của cơ quan sinh sản“, bác sĩ Dung nói.
Nhiều người thường quan niệm rằng, vô sinh là do vấn đề ở ống dẫn trứng hay cơ quan sinh dục nhưng có những chỉ số bên trong cơ thể nếu không đảm bảo cũng sẽ khiến việc thụ thai khó khăn. Thậm chí, các chỉ số về mức độ chất có liên quan đến hormone trong cơ thể người phụ nữ còn làm cho quá trình rụng trứng, thụ thai bị ảnh hưởng.
Để giúp hạ nồng độ prolactin cần bổ sung vitamin B6. Bởi vì quá trình vitamin B6 kết hợp kẽm sẽ giúp hạ mức độ prolactin trong cơ thể. Những thực phẩm giàu kẽm như đậu xanh, đậu phộng, thịt gia cầm…Kẽm cũng là thành phần quan trọng giúp cân bằng các chất trong cơ thể.
Do đó khi có dấu hiệu khó có thai dù đã khám sức khỏe tiền hôn nhân cần phải đi khám để xác định chính xác nguyên nhân để tránh chữa trị tốn kém mà không hiệu quả. Khi khám phải tiến hành xét nghiệm để phát hiện prolactin mức độ cao trong cơ thể kịp thời.
Minh Minh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.