Kẽm – khoáng chất rất cần thiết

Ảnh: internet

Trang tin MNT tập hợp những khảo sát gần đây về nhu cầu dung nạp, những lợi ích cho sức khỏe của kẽm và nêu một số thực phẩm giàu khoáng chất này. Yêu cầu dùng đủ kẽm đặc biệt quan trọng ở trẻ em vì chỉ cần thiếu ít kẽm cũng khiến trẻ chậm tăng trưởng cả về thể chất và tâm thần, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, bệnh tiêu chảy và bệnh đường hô hấp. Thiếu kẽm cũng khiến vết thương lâu lành, giảm ngon ở vị giác, dễ thương tổn ngoài da, rụng tóc. Thiếu kẽm cũng có thể gây thiếu máu nhẹ, kém tăng trưởng chiều cao và chậm phát triển tình dục ở tuổi thiếu niên. Đàn ông thiếu kẽm có thể dẫn đến chất lượng tinh dịch kém, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Một khảo sát gần đây của các nhà khoa học Mỹ tại ĐH bang Oregon cho thấy việc bổ sung đầy đủ kẽm qua thức ăn có thể giúp kéo giảm nguy cơ mắc các bệnh do viêm. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan cho thấy có thể làm tăng mật độ tinh trùng và cải thiện khả năng sinh sản ở nam giới bằng cách bổ sung sulfat kẽm và axít folic. Việc bổ sung kẽm cũng giúp ngăn ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi và giúp cải thiện thị lực bệnh nhân. Mức dụng nạp bình quân theo nhu cầu cơ thể mỗi ngày ở trẻ từ 1 đến 8 tuổi là 3-5 mg. Nam giới từ 9 đến 13 tuổi cần mỗi ngày 8 mg kẽm và trên 14 tuổi là 11 mg, tương đương nhu cầu của đàn ông. Nữ giới trên 8 tuổi cần 8 mg kẽm/ngày và từ 14 đến 18 tuổi cần 9 mg/ngày. Thai phụ và mẹ đang cho con bú cần từ 11-13 mg/ngày, tùy độ tuổi.

Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt động vật, cá, hải sản, hạt thô, ngũ cốc không xay xát kỹ, các loại đậu và sản phẩm từ sữa. Các thực phẩm nhiều phylate (có trong ngũ cốc và vài loại rau củ), đồng, canxi và axít folic có thể kéo giảm sự hấp thu kẽm. Một số loại như rượu vang đỏ, đường glucose và lactose hoặc protein từ đậu nành làm tăng hấp thu kẽm chứa trong thức ăn. Đối với những người ăn chay, yêu cầu dung nạp kẽm tăng thêm vì những thực phẩm có nguồn gốc thực vật có tác dụng hấp thu kẽm thấp.

Giới hạn tiêu thụ kẽm không nên quá 40 mg/ngày. Tuy ngộ độc kẽm tiêu hóa tương đối hiếm nhưng có thể khiến kích thích đường dạ dày – ruột và gây nôn. Việc bổ sung nhiều kẽm cũng dễ gây thiếu chất đồng và khiến cơ thể khó hấp thu chất sắt.

Nguồn: Theo NLĐ

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.