Đối với du khách ưa khám phá cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống thì Nà Luồng là địa điểm không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vùng cao Tây Bắc.
Nằm bên dòng Nậm Mu hiền hòa, cách trục quốc lộ 4D hơn 7 km về phía đông, bản Nà Luồng, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là nơi định cư của hơn 90 hộ dân với 400 nhân khẩu dân tộc Lào. Nhờ khung cảnh hoang sơ và gìn giữ được những phong tục tập quán, bản người Lào ở Nà Luồng đang trở thành điểm du lịch cộng đồng.
-
1
Khám phá nét độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa
Cô gái Nà Luồng
Cách đây 300 năm, một bộ lạc người Lào đã tìm tới địa phận ven dãy Hoàng Liên Sơn khai phá làm ruộng nước, mở mang cuộc sống mới. Người Lào ở bản Nà Luồng rất chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nên không bị đổi thay theo thời gian. Điều này giúp bản Nà Luồng hội tụ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch bản làng, gắn liền với các yếu tố văn hóa truyền thống của cư dân.
Đối với du khách ưa khám phá cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống thì Nà Luồng là địa điểm không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vùng cao Tây Bắc. Cảm giác khoan khoái đến với du khách ngay khi đặt chân trên cây cầu chênh vênh dẫn lối vào bản.
Dòng Nậm Mu ngay dưới chân cầu hiền hòa chảy, cùng với những đụn khói lam chiều từ những nếp nhà thấp thoáng bên sườn núi tạo nên vẻ đẹp dung dị cho bản Nà Luồng làm nao lòng nhiều lữ khách.
Khung cảnh bản Nà Luồng.
Theo giải thích của người dân nơi đây, trong tiếng dân tộc Lào, “Nà” có nghĩa là ruộng, “Luồng” có nghĩa là con rồng. Từ xa, phóng tầm mắt thì thấy rất rõ dòng Nậm Mu như con rồng đang uốn lượn bên những thửa ruộng bậc thang của bản Nà Luồng. Người Lào có nhiều điệu dân vũ truyền thống, nhưng nổi tiếng hơn cả là điệu xòe và lăm vông. Bộ nhạc cụ truyền thống của người Lào có trống, chiêng, khèn bè, sáo. Các trò chơi dân gian là ném còn, đánh quay, đánh cầu lông gà, đẩy gậy thường được tổ chức vào các dịp lễ hội như lễ Bun Vốc Nặm (lễ té nước) với mong muốn mưa thuận gió hòa, cây trái tốt tươi.
Về trang phục người Lào khá độc đáo. Đàn ông mặc quần kiểu chân què lá tọa nhưng từ đầu gối trở xuống hẹp dần, thêu nhiều hoa văn, áo màu đen, cổ tròn, cài khuy bạc, có hai túi to trước bụng. Phụ nữ Lào mặc váy ống chia thành hai loại. Loại thường ngày, nửa dưới màu đen, nửa trên có các đường sọc ngang nhỏ, nhiều màu sắc. Loại ngày hội, gấu được thêu nhiều hoa văn hình quả trám hoặc hình con rồng cách điệu, phần cạp để sọc trắng.
Áo phụ nữ màu chàm đen được can ghép bằng nhiều mảnh vải màu, xẻ tà cài khuy bên phải, cổ hình tim, phía trước đính hai hàng bạc xu. Phụ nữ Lào thường đeo vòng cổ, vòng tay, hoa tai, trâm cài. Phụ nữ Lào từ trung tuổi trở lên đều nhuộm răng đen bằng một loại nhựa cây lấy từ rừng. Những phụ nữ Lào trẻ tuổi lại có xu hướng để răng trắng.
Thức ăn của người Lào chủ yếu lấy từ tự nhiên như rau rừng, cá suối… để chế biến ra các món đặc trưng như: Chẩm chéo, cỏi, lạp, mắm cá… Cách chế biến chủ yếu là luộc, rang hoặc nấu. Khi bắt được nhiều cá đồng bào thường ướp muối làm chua, làm lạp, gỏi, hoặc đồ, nướng kẹp lá sả và gói lá vùi tro bếp. Dịp đầu năm thường có món cá sấy khô nấu đông. Thịt chỉ được dùng trong các dịp trọng đại (ma chay, cưới xin, làm nhà mới).
Người Lào ở Nà Luồng rất thân thiện, chân thật và mến khách. Phương thức canh tác chính của người Lào ở đây là trồng lúa nước, trồng ngô. Diện tích lúa chiếm phần lớn diện tích đất nông nghiệp. Cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ, mang đặc trưng vùng cao Tây Bắc, con người hiền hòa, hiếu khách… tất cả đã tạo nên những tiềm năng du lịch của Nà Luồng. Bởi vậy, cách đây chưa lâu, bản Nà Luồng đã được Sở VHTT&DL Lai Châu và Tổng cục Du lịch lựa chọn đầu tư phát triển thành điểm du lịch cộng đồng.
-
2
Đến Nà Luồng thì… không ngại khó
Phong cảnh đẹp cùng những phong tục, tập quán sinh hoạt đặc trưng của dân tộc Lào, vì vậy mà thu hút khách đến bản Nà Luồng. Hiện nay, một vài nhóm nhỏ lẻ đi khám phá Tây Bắc, họ yêu vẻ đẹp tự nhiên, lối sống đặc trưng của mình cộng với bản sắc vốn có. Ngoài ra, còn có những đoàn khảo sát với sự giới thiệu của ngành du lịch địa phương.
Khi đến bản Nà Luồng, bạn đừng phàn nàn về đường xá nhé! Ở đây những con đường đi lại trong bản còn khá lầy lội. Những hướng dẫn viên từng đưa khách đến đây đều chung nhận xét: Bản Nà Luồng phù hợp với phát triển du lịch khám phá, du lịch cộng đồng.
Đầu tiên là hệ thống hạ tầng cơ sở. Hôm nào trời khô ráo, đi lại thuận tiện, còn hôm mưa, đường vào bản bùn lầy. Ngành du lịch và chính quyền địa phương cần hỗ trợ, hướng dẫn bà con làm đường, bảo đảm cảnh quan và vệ sinh môi trường.
Ở bản chưa có người hướng dẫn hay giới thiệu những nét đặc trưng về bản. Nếu đến đây, bạn sẽ phải tự tìm hiểu hoặc hỏi những người dân bản. Do đó, hãy làm quen, nói chuyện nhiều với người dân địa phương để biết được những nét đặc sắc về phong tục, tập quán… của người Lào.
-
3
Nghề truyền thống có gì đặc sắc?
Nghề dệt thổ cẩm ở Nà Luồng
Nghề dệt thổ cẩm thủ công của người Lào rất độc đáo. Nhưng hiện nay chưa có nhiều sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm này, nếu bạn muốn mua một chiếc khăn Pieu như của người dân ở đây, bạn phải vào tận nhà người dân có nghề dệt để hỏi mua.
Đa số đàn ông người dân tộc Lào trong bản đều giỏi nghề mộc, đóng đồ gỗ, đan lát, chài lưới. Phụ nữ dân tộc Lào rất giỏi với việc trồng dâu, trồng bông, nuôi tằm và dệt vải. Sản phẩm dệt của người Lào là những sản phẩm dệt đẹp ở Tây Bắc, sánh ngang với các sản phẩm dệt của người Thái. Theo các hộ dân, nhiều sản phẩm độc đáo của họ được đặt hàng để mang sang tiêu thụ tại Sa Pa.
Để phát triển thêm các sản phẩm trong bản phục vụ cho khách du lịch tới thăm, ngành du lịch Lai Châu cần hỗ trợ, hướng dẫn bà con trong bản biết cách làm ra những món quà lưu niệm độc đáo từ nghề truyền thống dệt thổ cẩm của mình.Trong tương lai không xa, bản Nà Luồng sẽ trở thành điểm du lịch cộng đồng phục vụ du khách tới thăm. Nhưng bây giờ, khi vẻ nguyên sơ của bản vẫn còn vẹn nguyên, sao những fan hâm mộ của du lịch không tới khám phá một dịp nhỉ!