Qua nghiên cứu và phân tích hình ảnh vũ trụ qua viễn vọng kính trong 2 năm qua, 5 sinh viên khoa thiên văn trường Đại học Washington ở Seattle, Hoa Kỳ, đã phát hiện được hơn 1.300 tiểu hành tinh mới. Năm sinh viên này tên là: Amy Rose, Amber Almy, Amanjot Singh, Kenza Sigrid Arraki và Kathryn Smith.
Các sinh viên sử dụng phần mềm vi tính để nghiên cứu và phân tích dữ liệu được thu thập từ viễn vọng kính Sloan của Đài quan sát Apache Point, bang New Mexico.
Theo các nhà thiên văn học, hiện chưa biết có tiểu hành tinh nào trong số này có là mối đe dọa cho Trái Đất hay không. Theo các nhà thiên văn học, số tiểu hành tinh vừa được khám phá chiếm tỉ lệ 1/250 trong tổng số vật thể vũ trụ có trong Thái Dương hệ.
Cơ quan Quản trị Hàng Không và Không gian Hoa Kỳ (NASA) và các tổ chức khác đang nỗ lực tìm kiếm những thiên thạch có kích thước lớn có khả năng va chạm và huỷ diệt toàn bộ hoặc một phần lớn sự sống trên Trái Đất. Theo các chuyên gia, những tiểu hành tinh có quỹ đạo gần Trái Đất là mối nguy hiểm tiềm tàng cho hành tinh, vì chúng có thể thay đổi quỹ đạo và va vào Trái Đất vào một thời điểm nào đó và với một xác suất nhất định.
(Ảnh: msn) |
Theo ông Andrew Becker, trợ lý giáo sư thiên văn của Đại học Washington, trong khi các học trò của ông đang tìm kiếm các sao băng lớn, tức các mảnh vỡ của những ngôi sao đã nổ tung, bên ngoài Thái Dương hệ, thì họ phát hiện được số tiểu hành tinh nói trên.
Là người hướng dẫn sinh viên trong việc săn tìm tiểu hành tinh, ông Becker cho biết: “Hiện không có mối đe dọa trước mắt, nhưng về lâu dài thì bất cứ vật thể nào đi ngang quỹ đạo Trái Đất cũng có thể va vào với Trái Đất trong những điều kiện nhất định”.
Trung tâm Tiểu hành tinh thuộc Trường Đại học Harvard đã đặt tên tạm thời cho những tiểu hành tinh mới. Trung tâm đang thu thập thêm dữ liệu trước khi chính thức công nhận phát hiện này và đặt tên tiểu hành tinh mới theo tên của những sinh viên đã có công phát hiện.
Năm sinh viên Mỹ đã phát hiện được hơn 1.300 tiểu hành tinh mới. (Ảnh: msn) |
Quang Thịnh
Theo Space, MSNBC, Vietnamnet