Rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn xuất hiện ở một số quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc… Ngày lễ này cũng trùng với lễ Vu Lan – lễ báo hiếu cha mẹ. Rằm tháng 7 còn gọi là lễ “xá tội vong nhân”.
Vào ngày này, người còn sống không chỉ tưởng nhớ, tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, tổ tiên đã khuất mà còn là dịp họ giúp đỡ các linh hồn đói khát không có gia đình, người thân thờ cúng. Vì vậy, nhiều gia đình sẽ làm hai mâm cúng: một mâm để cúng gia tiên, mâm cúng còn lại dành để cúng cô hồn.
Ngay từ đầu tháng 7, nhiều gia đình ở một số quốc gia châu Á đã mua rất nhiều đồ tế lễ làm bằng vàng mã, hương, hoa quả để gửi sang thế giới bên kia cho những người quá cố. Tại Việt Nam, vào ngày Rằm tháng 7, nhiều người đến chùa để thực hiện nghi lễ cúng vái. Họ thường làm điều đó vào ban ngày bởi vì người ta tin rằng, khi mặt trời đã lặn thì đồng nghĩa với việc cửa âm phủ đã đóng và linh hồn không thể về âm phủ.
Đối với những gia đình có điều kiện thường làm hai mâm cúng: một mâm cúng tổ tiên tại bàn thờ trong nhà và mâm còn lại dùng để cúng chúng sinh đặt ở sân trước nhà hay trên vỉa hè.
Trong mâm cúng tổ tiên, các gia đình chuẩn bị cỗ mặn, tiền vàng và những vật dụng cá nhân như nhà lầu, xe hơi, điện thoại… dành cho người cõi âm làm bằng giấy (mà người ta thường gọi là đồ hàng mã) .
Người ta tin rằng, người cõi âm cũng cần dùng những vật phẩm giống như khi còn sống nên con cháu, người thân trong gia đình thường chuẩn bị đồ vàng mã rất tươm tất. Họ làm như vậy để cầu mong người đã khuất có cuộc sống sung túc, đầy đủ vật chất. Đối với mâm cúng chúng sinh, người ta chuẩn bị quần áo làm từ những mảnh giấy với nhiều màu sắc khác nhau, các loại bỏng gạo, ngô khoai, bánh kẹo, cháo trắng hoặc cháo hoa, tiền vàng, nước lã hay rượu, tiền lẻ…
Ngoài ra, vào ngày Rằm tháng 7, các ngôi chùa thường có lễ phóng sinh như thả chim, thả cá…
Trong ngày lễ Vu Lan, người ta thường đến chùa cầu kinh cho linh hồn mẹ được siêu thoát. Những người còn mẹ thì sẽ cài bông hồng đỏ lên trước ngực để tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn và ngược lại, người nào có mẹ đã khuất núi thì sẽ đeo bông hồng màu trắng.
Đối với người dân Nhật Bản, ngày Rằm tháng 7 là dịp họ bày tỏ ước nguyện trước tổ tiên và cầu mong những ước nguyện của mình sẽ trở thành hiện thực. Họ sẽ viết những mong ước ấy lên một tờ giấy rồi treo lên cây trúc.
Đây cũng là ngày mà các thành viên trong gia đình đi kiếm ăn, học hành ở muôn phương trở về đoàn tụ và đến thăm mộ phần tổ tiên. Ngoài ra, người dân Nhật Bản còn tổ chức biểu diễn những điệu múa truyền thống.
Ở Trung Quốc, tháng 7 âm lịch được coi là tháng Ma đói và bị coi là khoảng thời gian không may mắn nên người dân thường kiêng kỵ nhiều thứ. Họ tin rằng, những linh hồn sẽ được Diêm Vương cho trở về dương gian khi Cổng địa ngục mở từ đầu tháng tới cuối tháng.
Một số người sẽ thả thuyền giấy hoặc đèn hoa đăng trên sông vào buổi tối Rằm tháng 7. Nó giống như một ngọn hải đăng đưa đường dẫn lối cho những linh hồn phiêu bạt đi đúng hướng, tìm được đường trở về âm phủ trước khi cánh cửa đó đóng lại.
Người Trung Quốc cũng tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ nhân dịp này. Tuy nhiên, người ta để trống hàng ghế đầu bởi vì những chỗ đó là dành cho linh hồn đến xem biểu diễn cùng.
Một hoạt động đặc biệt nữa diễn ra trong ngày Rằm tháng 7 ở Trung Quốc là “đến hẹn lại lên”, những chàng trai dân tộc Di tại Vân Nam sẽ nô nức xuống đường để sờ ngực các cô gái mà không sợ bị coi là “yêu râu xanh”. Hoạt động đặc biệt này diễn ra vào ngày 14,15,16 tháng 7 âm lịch hằng năm. Đối tượng tham gia là những nam thanh nữ tú chưa lập gia đình.
Theo truyền thuyết cổ xưa, linh hồn của các chàng trai chết trẻ trên chiến trường chưa lập gia đình không được siêu thoát bởi trước khi qua đời chưa từng được sờ ngực phụ nữ. Vì thế, thầy cúng đã yêu cầu chọn ra 10 người thiếu nữ trong trắng và chưa bị đàn ông sờ vào vòng 1 để làm vật tế cùng linh hồn sang thế giới bên kia. Do đó, để không bị chọn làm vật tế, những thiếu nữ trẻ đã nhờ các chàng trai trong bộ tộc sờ lên ngực họ. Dần dần, tục lệ đặc biệt này được lan truyền rộng rãi và tồn tại cho đến ngày nay.