Khám phá sự thật về hố trống rỗng gây hiểu nhầm trong nhiều năm

Một kính thiên văn của châu Âu trong khi tìm kiếm những ngôi sao trẻ mới có một phát hiện gây ngạc nhiên, đó là một hố thực sự trống rỗng ngoài không gian.

Khoảng không gian không chứa một chút vật chất nào này nằm trong một tinh vân có tên gọi NGC 1999, đó là một đám mây sáng của bụi và khí trong chòm sao Orion.

Kính thiên văn vũ trụ Hubble lần đầu chụp được bức ảnh tinh vân này vào tháng 12/1999. Các nhà thiên văn học đã phát hiện thấy một vết đen trong đám mây nhưng lại cho rằng nó chỉ là một vết đốm do bụi và khí lạnh hơn nên các khối này rất nặng khiến cho ánh sáng không thể xuyên qua. 

Một khoảng tối đen nằm trong một đốm màu xanh của bụi và khí (phía trên ảnh) thuộc tinh vân NGC 1999 thực sự là một hố trống rỗng.

Nhưng những bức ảnh mới từ Đài thiên văn vũ trụ Herschel của Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu cho thấy, vết đốm đó thực sự là một khoảng không trống rỗng.

Kính thiên văn đã quan sát trong dải hồng ngoại, cho phép nó có thể nhìn xuyên qua đám bụi nặng và thấy được các đối tượng ở bên trong. Tuy nhiên, ngay cả khi đó Herschel vẫn chỉ nhìn thấy một màu đen trong khoảng không này.

Các nhà thiên văn học cho rằng, chiếc hố rộng chừng 0,2 năm ánh sáng và được tạo thành từ quá trình sinh từng đợt của một tinh tú phôi thai gần đó có tên V380 Ori.

Tiền sao này có khối lượng bằng 3,5 lần Mặt Trời. Nhóm nghiên cứu cho rằng, ngôi sao sơ sinh đang báo hiệu sự trưởng thành sắp tới của mình bằng cách bắn ra với tốc độ cực lớn các cột khí từ các cực của nó mà sẽ làm nổ tung bất cứ vật chất bên ngoài còn sót lại từ sự hình thành ngôi sao.

Tom Megeath ở ĐH Toledo, Ohio, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi cho rằng ngôi sao đang phóng ra một dòng lưỡng cực với tốc độ hàng trăm km mỗi giây và tạo ra một cái hố khổng lồ trong đám mây gần đó. Về cơ bản có thể hiểu những bó khí này đang được bắn về phía trước và quét đi mọi khí và bụi khác”.

Kính thiên văn phát hiện ra chiếc hố được đặt tên theo nhà thiên văn học ở thế kỷ 19 là William Herschel. Trong bảng danh mục của ông về bầu trời đêm, Herschel đã ghi lại một vài vết đốm màu đen mà ông cho là các hố nhưng thực ra nó lại là các đám mây tối.

“Kể từ đó trở đi, bất cứ khi nào ai đó quan sát thấy một thứ giống hố tối đen trong không gian, họ đều suy đoán đó là một đám mây”, Megeath nói. “Khá hài hước và thú vị khi gần một thế kỷ rưỡi sau, chính kính thiên văn mang tên Herschel lại quan sát thấy thứ mà mọi người cho là đám mây những trên thực tế nó lại đúng là một cái hố”. 

Nguồn: National Geographic

 

Theo Báo Đất Việt