Tết dương lịch vừa rồi, vợ chồng tôi đưa hai cháu về thăm ông bà nội ở ngoại thành. Được nghỉ dài ngày nên vợ chồng anh hai cũng đưa con từ Đà Nẵng về chơi, tiện thăm ông bà, chú thím và các em. Kì nghỉ thật vui vì đã lâu gia đình mới đoàn tụ, tuy nhiên, sau khi gia đình anh chị đi, tôi vẫn không ngừng nghĩ ngợi về cách dạy con của chị dâu...
Con không cần làm gì cả
Ngay từ lúc đón anh chị ở sân bay tôi đã thấy ái ngại vì nhìn cảnh vali lớn nhỏ anh chị tôi đều giành khiêng hoặc kéo hết, để cho 2 đứa con một trai, một gái lớn tồng ngồng, ăn mặc sành điệu, tai nghe ear-phone, mắt dán vào điện thoại theo sau. Chị nói chúng nó cần tập trung để nghe băng tiếng Anh.
Rồi đến bữa, trong khi con gái lớn nhà tôi mới học lớp 5 đã lăng xăng giúp mẹ nhặt rau, dọn bát đũa thì hai anh chị nó phải cố gắng giải quyết nốt 2 cái đề toán trên mạng trước giờ cơm trưa mặc dù đã kêu ca nằn nỉ chán chê với mẹ. Tôi thắc mắc không hiểu tại sao chị lại bắt 2 đứa học nhiều đến vậy, cho đến lúc bắt đầu ăn cơm.
Trong bữa cơm, ông nội hỏi thành tích học tập của các cháu, Bống nhà tôi nhanh nhẩu: “Tiếng Việt cháu được 8, Toán cháu được 6 và bài thi công nghệ hôm qua cháu đứng nhất lớp về thực hành nấu cơm ạ”. – “Thế thì Bống thua anh Minh chị Lan rồi, kỳ vừa rồi cả hai anh chị đều tổng kết cao nhất lớp đó, nhất là môn Toán. Cháu phải cố gắng lên chứ sau này xã hội không cần người nấu cơm giỏi đâu. Bố mẹ bắt cháu làm nhiều quá à, như nhà bác đây này, hai anh chị chẳng cần phải làm gì cả, chỉ cần học giỏi là được”, chị dâu tôi nói, không giấu khỏi niềm tự hào.
Học giỏi có phải là điều các con thật sự muốn?
Tôi biết không chỉ có chị dâu tôi mà ngày nay có rất nhiều mẹ có suy nghĩ giống thế. Phải chăng chúng ta đang tự đặt ra cái đích “học thật giỏi”, “tổng kết nhất lớp”, “10 toán” cho con chúng ta mà không cần biết cái đó có thực sự là điều cần thiết nhất không, hay đó có phải là điều các con muốn, khiến các con hạnh phúc không?
Hãy “trả” con về với tuổi thơ thực sự của chúng… (Ảnh minh họa)
Chúng ta cho rằng các con còn quá nhỏ để có thể biết cái gì cần thiết cho bản thân sau này rồi áp đặt suy nghĩ của bản thân mình lên chúng. Vô tình, các con đang trở thành một người đi “sống hộ” cuộc sống của cha mẹ chứ không phải cuộc sống của chính mình.
Từng là một đứa trẻ “sống hộ”, không thể trở thành người như mình mơ ước nên tôi biết và hiểu cảm giác của hai đứa cháu tôi. Và cho đến bây giờ, dù đã trở thành một bác sĩ, tôi vẫn nhận thấy mình không hạnh phúc với những gì mà người lớn ngày đó áp lên cho tôi và bảo tôi rằng làm như thế chỉ là muốn tốt cho tôi.
Đó cũng là lý do tại sao tôi cho con mình quyền được học những gì nó muốn, tất nhiên dưới sự quan sát của bố mẹ. Sau một thời gian giúp con học Toán, tôi nhận ra con không thích và không có năng khiếu học môn này nên không ép con nữa. Ngược lại, thấy con say sưa với các chương trình, cuộc thi nấu ăn trên truyền hình, tôi cho con cùng vào bếp. Nhìn con vui cười hạnh phúc, tôi thấy mình không làm sai. Biết đâu, sau này lại có một đầu bếp Bống nổi tiếng thì sao? Ít nhất, con tôi bây giờ cũng được sống là chính con, được làm điều con thích, để tuổi thơ của nó đầy những kí ức và kỉ niệm vui vẻ.
Bố mẹ không thể lo được cả thế giới cho con
Có thể hiện tại, tiền lương của bố mẹ đủ sức chi trả cho mọi nhu cầu ăn mặc, các khoản học chính học phụ của con, nhưng bố mẹ không thể sống cùng con và lo cho con cả đời. Thế nên, suy nghĩ con cứ yên tâm, đã có bố mẹ lo hết có thể sẽ khiến trẻ trở nên dựa dẫm, phụ thuộc. Trẻ sẽ có thói quen gọi “Mẹ ơi!” ngay cả với những việc nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống.
Chưa nói đâu xa gì đến chuyện các con sẽ lập gia đình sau này, trước mắt các con có thể phải đi học xa nhà hay học giỏi thì xin học bổng du học, đến lúc ấy cha mẹ đâu thể bỏ hết công việc mà theo các con được? Phải chăng, trước khi dạy các con những điều to lớn trong sách vở, trong các kỳ thi quốc gia quốc tế, các mẹ nên dạy con những thứ đơn giản hơn như nấu mì, quét nhà, đối nhân xử thế với mọi người xung quanh,… có lẽ sẽ tốt hơn cho bé.
Với Bống nhà tôi, tôi vẫn cho con sống một cuộc sống là chính con, để con cảm nhận được thế nào là hạnh phúc và để con có thể sống tự lập ngay cả khi một ngày không có vợ chồng tôi bên cạnh.
Hồng Gấm
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.