Không có gì so sánh được với đức hy sinh, sức chịu đựng trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai của người mẹ. Nhưng đối với những mẹ sinh mổ – vì bất cứ lý do gì, thì sự hy sinh đó bỗng dưng bị phủ nhận hoàn toàn. Đơn giản bởi vì trong mắt mọi người đẻ mổ tức là “không biết đẻ”.
Tỷ lệ đẻ mổ gia tăng
Cơ thể con người là một cỗ máy hoàn hảo, được thiết kế để hoạt động chính xác không lệch một khắc. Khi mang thai, cơ thể người mẹ tăng sản xuất các hormone có nhiệm vụ nuôi dưỡng thai nhi. Những thay đổi trên cơ thể người mẹ cũng hài hòa, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của em bé trong bụng. Gần đến ngày dự sinh, cơ thể tự điều chỉnh, tự chuẩn bị cho thời khắc em bé chào đời. Những cơn co xuất hiện, quá trình sổ thai… tất cả đều như được lập trình tự nhiên, và em bé sau đó được ra đời qua ngả âm đạo – mà nói nôm na là đẻ thường.
Tỷ lệ trẻ sinh bằng phương pháp mổ đẻ tăng đáng kể.
Ngày nay, do nhiều yếu tố mà tỷ lệ đẻ thường giảm đi, thay vào đó số ca sinh con bằng phương pháp mổ lấy thai tăng đáng kể. Đa phần, mẹ bầu thời nay ít vận động do đặc thù công việc văn phòng, thực phẩm cũng không được lành và sạch như trước kia hoặc do quan niệm kiêng khem quá kỹ trong thai kỳ dẫn đến tỷ lệ sinh mổ ngày càng tăng. Một số ít trường hợp được chỉ định đẻ mổ do người mẹ mắc các bệnh lý nguy hiểm, khung xương chậu hẹp không thể đẻ thường hoặc do các vấn đề liên quan đến thai nhi khác.
Khi đẻ mổ bị “kỳ thị”
Trong chúng ta, ai cũng ít nhất một lần được hỏi thăm bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm,… khi họ vừa trải qua cơn vượt cạn lớn nhất trong đời. Sau vài câu hỏi thăm lấy lệ thì “đẻ mổ hay đẻ thường” là điều chúng ta quan tâm, tò mò nhất. Nếu họ đẻ thường, chúng ta lên tiếng trầm trồ thán phục. Ngược lại, nếu đẻ mổ, thì cái sự đẻ mổ ấy sẽ lan nhanh với tốc độ chóng mặt, hơn cả vũ bão.
Chúng ta vốn quen với suy nghĩ “đẻ mổ là không biết đẻ”, thậm chí nhiều người ác miệng còn so sánh, “gà còn biết đẻ, đẻ mổ thì không bằng con gà”. Đẻ mổ vốn bị cho rằng không mất sức, tốn công, không vĩ đại, không hy sinh như trường hợp đẻ thường. Và những mẹ đẻ mổ vô tình bị gạt ra khỏi “thành tựu” sinh con, bị phủ nhận mọi cố gắng, nỗ lực và cả sự đau đớn mà không ai hiểu được.
Chưa hết, “đẻ mổ lấy đâu sữa cho con bú”, “đẻ mổ thì ít sữa”, “mẹ mà không tự sinh con thì là đồ bỏ đi”,… Những lời lẽ cay nghiệt như nhát dao cứa sẵn sàng đánh gục tâm lý vốn không ổn định của sản phụ sau sinh. Chúng ta hả hê với những câu nói đó, nhưng đâu ngờ không cần chúng ta chỉ trích, những người mẹ đó đã đủ dằn vặt, tự trách bản thân, thậm chí tự ti vì “trót lỡ” sinh mổ.
Mẹ sinh mổ bị coi là “không biết đẻ”.
Bản thân những mẹ đẻ mổ thiệt thòi và cũng đã phải trả giá vì quyết định sinh mổ của mình. Các mẹ đẻ mổ đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, thời gian hồi phục sau sinh lâu hơn, phải kiêng khem nhiều hơn và đặc biệt là về sữa chậm hơn so với các mẹ sinh thường. Chưa kể thời gian cách ly mẹ con khi mẹ phải theo dõi trong phòng hậu phẫu, khiến bé sơ sinh không được da tiếp da với mẹ sau sinh. Do đó sức đề kháng của các bé đẻ mổ cũng kém hơn các bé khác.
Chắc chúng ta vẫn còn nhớ “cuộc chiến” chưa có hồi kết giữa sữa mẹ và sữa công thức. Tương tự các mẹ đẻ mổ, các mẹ nuôi con bằng sữa công thức cũng bị dè bỉu, chê bai rằng thiếu hiểu biết, không yêu con, không biết hy sinh vì con.
Có thể những bà mẹ đó chưa trang bị đủ kiến thức về sinh thường và sinh mổ, có thể lúc đó sức khỏe quá yếu, hụt hơi và không thể chịu đựng thêm, hoặc có thể do trẻ người non dạ, hoặc do quá mong đến giây phút gặp con… Có rất nhiều lý do để một bà mẹ lựa chọn sinh mổ thay vì sinh thường. Dĩ nhiên, chúng ta không khuyến khích việc sinh mổ. Vì ai cũng hiểu tác hại của sinh mổ đối với sức khỏe mẹ và bé sau này. Nhưng chúng ta cũng không nên làm tổn thương thêm những bà mẹ vốn cho rằng mình có tội với con vì đã đẻ mổ như vậy.
Mách mẹ mẹo để sinh thường dễ hơn
Và trước khi có thể tránh được những lời “kì thị”, mẹ hãy cố gắng để có thể sinh thường nhé! Trước khi sinh, mẹ bầu cần trang bị đầy đủ kiến thức về các phương pháp sinh. Nếu thai kỳ khỏe mạnh, không gặp vấn đề bất thường, mẹ hoàn toàn có thể sinh theo phương pháp tự nhiên.
Những tháng cuối thai kỳ, mẹ có thể đi bộ để tăng độ đàn hồi của khung xương chậu, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh thường. Một số mẹ áp dụng các mẹo dân gian như uống nước lá tía tô, ăn chè vừng đen, ăn rau lang, uống nước ép dứa…
Khi vào phòng chờ sinh và phòng sinh, tuyệt đối làm theo chỉ dẫn của bác sỹ, hộ sinh. Tùy cơ địa mỗi người mà thời gian chuyển dạ sẽ dài hay ngắn. Những mẹ sinh con so sẽ có cơn chuyển dạ kéo dài hơn mẹ sinh con rạ. Chỉ rặn đẻ khi cổ tử cung mở hết 10 phân hoặc khi có hiệu lệnh của bác sỹ. Sinh đẻ là bản năng sẵn có của phụ nữ, nếu mẹ kiên trì và quyết tâm, sinh thường sẽ không còn là “ước mơ” xa vời nữa.
Việt Hà
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.