Khi “đội săn bắt cướp TP. HCM” lên Facebook

Khi “đội săn bắt cướp TP. HCM” lên Facebook
Khi “đội săn bắt cướp TP. HCM” lên Facebook
Các “hiệp sĩ” bắt cướp trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM – Ảnh: Facebook của Đội SBC TP.HCM

Tuy nhiên, “đội săn bắt cướp” chưa được công nhận và câu chuyện pháp lý khi “tác nghiệp” trên Facebook của họ gặp nhiều rắc rối…

“Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các anh hiệp sĩ săn bắt cướp giúp em tìm lại điện thoại. Em cảm thấy rất vui và vô cùng khâm phục tài năng của các anh đã không ngại nguy hiểm, đương đầu những tên cướp giành lại tài sản cho người dân”, đó là chia sẻ trên Facebook “Trình báo mất cắp tài sản – đội săn bắt cướp TP.HCM” của bạn Hà Như Quỳnh (22 tuổi, quê Bà Rịa – Vũng Tàu).

“Nóng” trên Facebook

Trong khi đó, chị M.S. (quê Hà Nội) từ lâu đã xem những “hiệp sĩ” trong đội săn bắt cướp trên Facebook như là ân nhân, bởi họ đã giúp đỡ gia đình chị “dụ” một đối tượng lừa đảo lộ diện, lấy lại tài sản bị chiếm đoạt.

Theo chị S., năm 2015 thông qua trang Zalo, chị gái chị bị lừa đảo chiếm đoạt xe máy, điện thoại, trang sức… Gia đình chị làm đơn trình báo công an địa phương nhưng chưa có kết quả nên chị quyết định liên hệ đội “hiệp sĩ”.

Chỉ trong mười ngày, chị S. phối hợp với các “hiệp sĩ” đưa đối tượng giao cho công an xử lý.

“Công việc quá nguy hiểm nhưng các anh giúp đỡ hết sức tận tình mà không đòi hỏi gì cả. Tôi vô cùng khâm phục các anh” – chị S. chia sẻ.

Chuyện của Quỳnh và chị S. là hai trong hàng trăm nạn nhân bị lừa đảo, cướp giật tài sản may mắn được các thành viên đội săn bắt cướp cất công tìm lại tài sản, trao trả miễn phí.

Lướt qua hai trang Facebook “Trình báo mất cắp tài sản” và “Đội săn bắt cướp TP.HCM” sẽ cảm nhận độ “nóng” bởi lượng người “thích” (like) vượt trên 90.000 lượt.

Ở đó, không chỉ là nơi đăng tải các thông tin về những vụ cướp giật do đội “bắt nóng”, các video “điểm mặt” chân dung của các đối tượng phạm tội.

Từ lâu, hai trang Facebook đã trở thành “điểm hẹn” của nhiều người dân quan tâm đến nạn trộm cướp chia sẻ các “điểm đen” xảy ra cướp giật và gửi gắm tình cảm đến công việc của các thành viên trong đội.

“Hiệp sĩ” Lâm Hiếu Long (26 tuổi, ngụ TP.HCM) xác nhận là người đại diện đội săn bắt cướp, đang quản trị hai trang mạng trên. “Chúng tôi chỉ có quyền bắt nóng khi đối tượng ra tay cướp giật. Mỗi vụ bắt cướp, cả nhóm đều hội ý đưa ra phương án an toàn, hiệu quả và đúng pháp luật” – Long nói.

Chia sẻ mục đích thành lập, Long giải thích: “Cướp giật không chỉ gây thiệt hại về tài sản, mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người dân lưu thông trên đường.

Chúng tôi có ý tưởng tạo hai trang Facebook để chia sẻ thông tin các đối tượng nghi vấn như biển số xe, loại xe, tuyến đường… Từ đó thông báo đến anh em theo dõi, mục đích là chia sẻ thông tin, chứ không để câu like”.

Long cho biết thêm hiện nhóm gồm bảy thành viên từ 23-26 tuổi. Ngoài đam mê săn bắt cướp, các thành viên trong nhóm làm đủ nghề nghiệp mưu sinh như giao hàng, tài xế, kinh doanh, thậm chí có người còn đi học.

Theo Long, từ năm 2010 đến nay nhóm của anh truy bắt trên 200 vụ trộm cắp, cướp giật. Trên hai trang Facebook, mỗi ngày nhận khoảng 20 tin nhắn phản ảnh của người dân, trong đó khoảng 60% là tin báo trộm cắp, cướp giật.

Khi “đội săn bắt cướp TP. HCM” lên Facebook
Lâm Hiếu Long (đội nón bảo hiểm), người đại diện nhóm đồng thời quản trị hai trang mạng, trong một lần truy bắt cướp giật trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.3) – Ảnh đội săn bắt cướp TP.HCM

Chưa được công nhận

Theo anh Nguyễn Thanh Hải – đội trưởng câu lạc bộ phòng chống tội phạm phường Phú Hòa (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), anh em săn bắt cướp hoạt động trên Facebook cũng có cái hay cái dở.

Hay là được cộng đồng mạng “se” nhau hỗ trợ tìm thông tin, nhưng dở nếu thông tin đưa lên không đúng, cho nên cần phải có tổ chức, có người chịu trách nhiệm.

Từng bị hiểu nhầm trong quá trình tác nghiệp, bản thân anh Hải cũng là nạn nhân khi bị Facebook đưa hình ảnh anh đi bán súng.

Nhiều người điện thoại anh mới biết mình bị “bôi xấu” trên mạng. Cho nên anh em “hiệp sĩ” hoạt động phải phối hợp chặt chẽ và theo hướng dẫn của cơ quan công an.

Tiến sĩ Trương Văn Vỹ, giảng viên xã hội học tội phạm (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng hoạt động của các “hiệp sĩ” hiện là con dao hai lưỡi.

Mặt tích cực là đại diện cho nhân dân tham gia với lực lượng công an để bắt trộm cướp. Còn mặt trái có thể họ lạm dụng, vượt quá quyền hạn hoặc không am hiểu pháp luật dễ dẫn đến sai phạm. Cho nên mô hình này vẫn tiếp tục nhưng phải hạn chế và kiểm soát chứ không thể tràn lan.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết khi một nhóm người hay câu lạc bộ hoạt động thì phải tuân thủ về tổ chức hội theo quy định, tránh những biến tướng.

Khi chưa thành lập mà hoạt động là sai, có khả năng danh nghĩa bị lợi dụng và lạm dụng để trục lợi. Ý nghĩa của nó thì tốt nhưng lỡ đưa những thông tin tố giác chưa kiểm chứng hoặc vụ việc chưa kết luận của cơ quan điều tra lên Facebook sẽ ảnh hưởng đến quyền nhân thân và đời tư.

Hoặc khi tiếp nhận thông tin tố giác sai, quá trình truy tìm nghi phạm thiếu kiểm chứng dễ phát sinh các hành vi vi phạm khác.

Rất cần thiết nhưng cần có tổ chức

Thượng tá Nguyễn Nhật Thành, phó trưởng Công an Q.1 
(TP.HCM), cho biết đây là một mô hình tự phát đang phát huy hiệu quả tương đối tốt.

Tuy nhiên các thành viên của các câu lạc bộ mà người dân hay gọi vui là “hiệp sĩ” nên được tổ chức một cách quy củ, có người hỗ trợ, hướng dẫn kỹ năng bắt giữ tội phạm, cách thức mời người bị hại, nhân chứng và đặc biệt là thu thập tang, vật chứng theo đúng quy định pháp luật.

Điều này rất quan trọng, vì có thể bắt được đối tượng phạm tội nhưng không tìm được người bị hại, người làm chứng, thậm chí quá trình thu thập tang, vật chứng không đúng quy định pháp luật khiến quá trình xử lý rất khó khăn, thậm chí không xử lý hình sự được.

Nguồn: Theo Tuổi Trẻ

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.