Khi hoa tử đinh hương nở rộ

Khi hoa tử đinh hương nở rộ

Một số loài cây du nhập có thể sinh trưởng tốt hơn ở quê hương mới so với nơi mà chúng khởi nguồn. Điều này có thể là do biến đổi gen hoặc do các loài động vật ăn cỏ như côn trùng chưa học được cách thích nghi với kẻ mới đến.

Đây là kết luận của các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz (UFZ) sau khi hoàn thành nghiên cứu của họ đối với hoa tử đinh hương (Buddleja davidii) và hoa cẩm quỳ (Mahonia aquifolium). Do vậy, các loài cây du nhập có lợi thế hơn so với các cây bản xứ khác. Từ đó, chúng trở thành mối đe dọa đối với cân bằng sinh thái. Bài báo về nghiên cứu được đăng tải trên tập san khoa học Diversity and Distributions.

Hoa tử đinh hương thường có màu xanh lục, trắng hoặc tím hồng. Chi Buddleia (chi Bọ Chó) được đưa vào lãnh thổ châu Âu khoảng 100 năm trước khởi nguồn từ Trung Quốc. Kể từ đó chúng được trồng trong các khu vườn. Loại cây bụi làm cảnh này nhanh chóng trở nên phổ biến nhưng không chỉ bó hẹp trong phạm vi một khu vườn. Chúng lan tràn trong đống đổ nát của các thành phố bị đánh bom tại Đức giai đoạn hậu chiến. Cùng thời điểm, chúng mọc hoang thành cụm lớn ở phía tây và tây nam nước Đức. Chỉ duy nhất tại miền đông, sương giá mùa đông đã hạn chế sự sinh sôi của chúng.

Mặc dù hoa tử đinh hương rất đẹp, thêm nữa lại là nguồn cung cấp thức ăn cho loài bướm nhưng vẻ đẹp của nó cũng ẩn chứa mặt xấu bên trong. Chúng sinh hạt dễ dàng rồi nhanh chóng phát triển thành một quần thể dày đặc. Do đó có thể thay thế các loài cây địa phương và trở thành mối đe dọa đối với mức độ an toàn của khu vực đường ray khi chúng mọc lan tràn ở đó. Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Pháp đang nỗ lực để chống lại loài Buddleia, trong khi ở Mỹ chúng sinh trưởng với tốc độ khủng khiếp. Còn tại New Zealand, loài Buddleia đang gây ra hậu quả kinh tế đáng kể do chúng lấn át thực vật bản địa.

Khi hoa tử đinh hương nở rộ

Hoa tử đinh hương được đưa vào châu Âu từ Trung Quốc vào khoảng 100 năm trước; từ đó nó được trồng trong các khu vườn cho đến nay. (Ảnh: Sarah Brunel, EPPO)

Nhằm tăng cường kiến thức về cơ chế sinh sôi của thực vật du nhập, các nhà nghiên cứu UFZ tiến hành so sánh 10 quần thể Buddleia tại Đức với 10 quần thể tại quê hương ban đầu của chúng – tỉnh Vân Nam nằm ở tây nam Trung Quốc. Mặc dù điều kiện khí hậu ở Trung Quốc thậm chí còn tốt hơn cho sự phát triển nhưng chúng lại sinh sôi mạnh hơn ở nước Đức, sinh sản nhiều hạt hơn với chất lượng hạt cao hơn.

Susan Ebeling thuộc UFZ cho biết: “Ở quê hương Trung Quốc của chúng, loài cây này bị côn trùng ăn mất khoảng 15% lá cây so với tỉ lệ 0,5% ở Đức. Kẻ xâm nhập này không có tên trong thực đơn của côn trùng tại nơi ở mới. Trên lãnh thổ Trung Âu không hề có họ hàng nào của Buddleia sinh sống do đó mà côn trùng cần một khoảng thời gian lâu hơn để thích nghi”. Hai loài côn trùng châu Á từng được dùng để kiểm soát cây bụi tại New Zealand nhưng vẫn chưa được thực hiện ở châu Âu.

Điều này lại hoàn toàn khác với một loài cây được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn – cây cẩm quỳ Mahonia aquifolium khởi nguồn từ miền tây Hoa Kì. Tại bang Oregon, loại cây bụi có thân xanh quanh năm cùng với những bông hoa vàng nổi bật này là loài hoa biểu trưng của bang chính vì thế nó còn có cái tên “chùm nho Oregon”. Tại châu Âu, hoa cẩm quỳ cũng có một họ hàng gần gũi: cây hoàng liên gai châu Âu (Berberis vulgaris). Côn trùng bản xứ đã có tới hàng triệu năm thích nghi với cây hoàng liên gai nên từ đó có thể dễ dàng chuyển hướng sang cây cẩm quỳ. Trong khi đó, cây cẩm quỳ lại không thể phát triển bất kì một cơ chế phòng vệ nào đối với kẻ tấn công.

Tuy nhiên chúng sinh trưởng rất tốt ở Trung Âu khiến Swiss Commission – ủy ban chuyên trách bảo tồn thực vật địa phương tại Thụy Sĩ – buộc phải yêu cầu người dân không được trồng cẩm quỳ. “Nếu ai đó đã trót trồng cây này trong vườn, họ phải đảm bảo tuyệt đối không nhân giống thêm; vừa phải loại bỏ những cây đã trồng vừa phải liên tục nhổ cả cây con”.

Mặc dù tồn tại trong môi trường có kẻ thù, hoa cẩm quỳ vẫn có khả năng sinh trưởng mạnh mẽ, phủ kín cả thềm rừng do đó làm nảy sinh vấn đề. Tiến sĩ Harald Auge thuộc UFZ giải thích: “Căn nguyên hiển nhiên chính do quá trình trồng loại cây này. Qua chọn lọc và lai giống chúng đã biến đổi về mặt di truyền khiến chúng phát triển mạnh mẽ hơn ở châu Âu so với quê hương Hoa Kì”. Ông và cộng sự thuộc Halle đã thu thập hạt giống cây cẩm quỳ tại Hoa Kì, Canada, Đức và Cộng hòa Séc rồi trồng chúng trong môi trường nhà kính được kiểm soát nghiêm ngặt.

Khi hoa tử đinh hương nở rộ

Cây cẩm quỳ Mahonia aquifolium khởi nguồn từ miền tây Hoa Kì. (Ảnh: ĐH Utah)

Cây cảnh và cây trồng chiếm đại đa số trong nhóm cây du nhập đã trở thành một khúc mắc lớn. Chúng được các chuyên gia coi là những kẻ xâm nhập về mặt sinh học. Quá trình xâm lấn sinh học của con người cũng là một trong những nguyên nhân khiến hệ động thực vật trên toàn thế giới giảm đi nhanh chóng.

Theo nghiên cứu do Tổ chức môi trường liên bang thực hiện, chi phí kinh tế cho 20 loài cây du nhập được tìm hiểu vào khoảng 67 triệu Euro trong năm 2002 tại Đức. Hiện nay vẫn chưa thu thập được thêm con số nào khác. Trong tương lai gần, UFZ sẽ tìm hiểu về chi phí điều trị sức khỏe cho căn bệnh dị ứng cỏ phấn hương với sự tài trợ của Bộ nghiên cứu liên bang.

Ấn phẩm tham khảo:

Ebeling, S. K., Hensen, I., Auge, H. (2008):
Cây bụi du nhập Buddleja davidii phát triển mạnh hơn trên quê hương mới
Diversity Distrib. 14 (2), 225-233
http://www.blackwell-synergy.com/doi/pdf/10.1111/j.1472-4642.2007.00422.x

Ross, C. A., Auge, H. (2008):
Cẩm quỳ du nhập vượt trội họ hàng bản xứ
Plant Ecology (trực tuyến): DOI 10.1007/s11258-008-9408-z
http://www.springerlink.com/content/j7q5304562j54674/

Ross, C. A., Faust, D., Auge, H. (2008):
Cẩm quỳ du nhập tại các môi trường sống khác nhau: thích nghi cục bộ hay kiểu di truyền đa năng?
Biological Invasions (trực tuyến) DOI 10.1007/s10530-008-9261-y
http://www.springerlink.com/content/y7002j2414271347/ 

 

Theo Trà Mi (Physorg)