Mấy tháng nay em đang trong tình trạng “khóc dở, mếu dở” với chuyện nói bậy của bố mẹ chồng trước mặt con. Như một thói quen không thể sửa, ông bà thường xuyên đệm các từ như “Đm, mk, ml…” trong hầu hết các câu nói (em xin phép viết tắt vì với em nó quá “kinh khủng” để gõ ra). Gia đình chồng em vốn trước kia vốn dân buôn bán (bố chồng em ban đầu buôn sắt vụn, sau đó chuyển qua buôn vật liệu xây dựng) nên em cũng biết ngôn ngữ đúng kiểu “chợ búa” là điều khó tránh khỏi. Song trước đây 2 vợ chồng học và làm việc ở nước ngoài thì không sao nhưng từ khi cả nhà về Việt Nam, ở cùng ông bà thì thực sự chuyện này trở thành vấn đề quá nhức nhối.
Ngay hôm đón vợ chồng em ở sân bay, vừa nhìn thấy Nu (lần đầu tiên gặp kể từ khi cháu ra đời) ông bà đã oang oang “Cu tí lại đây ông kiểm tra xem con c… có to không nào” rồi vồ vập lấy cháu khiến Nu sợ chết khiếp khóc ré lên. Ông bà được thế lại càng cười và trêu “Mẹ mày, trêu tí đã khóc đ’… ra dáng đàn ông”. Lúc ấy giữa sảnh đón ở sân bay, em “đứng hình” luôn, chỉ ước có cái lỗ nẻ mà chui xuống cho đỡ xấu hổ.
Đáng lẽ ra ông bà phải là tấm gương sáng cho con trẻ
(Ảnh minh họa: Motherandchild)
Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu, mọi chuyện sau này còn tồi tệ hơn nhiều. Bé Nu lúc về Việt Nam được 16 tháng, đúng độ tuổi đang bập bẹ học nói. Ông bà quý cháu vô cùng (chồng em là con út lại là con trai duy nhất của ông bà) nên suốt ngày quấn quýt cháu và theo đó thường xuyên nói bậy trước mặt cháu, thậm chí còn cảm thấy thích thú khi cháu bắt chước theo mình. Ví dụ như hôm rồi có cô bạn đến nhà chơi, lúc ra ôm Nu chào để ra về thì mặt bé tỉnh bơ nói “Biến”, tay còn phẩy phẩy phụ họa theo. Mẹ ú ớ không nói được câu nào. Hay một lần khác, bé ăn vạ, mẹ nghiêm mặt dạy con “Nu hư, mẹ sẽ không cho Nu đi chơi nữa” bé liền đáp ngay “đ’ cần”. Lúc đó em sững sờ không tin vào tai mình. Chắc chắn những điều này bé đều bắt chước từ ông bà nội vì ông bà vẫn dùng những từ ngữ như thế hàng ngày một cách vô cùng thoải mái.
Chuyện này diễn ra hàng ngày và có những câu ông bà nói còn khủng khiếp hơn rất nhiều song em cũng không tiện nói ra ở đây. Thực sự, về ở cùng ông bà mấy tháng, em cảm giác như bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Từ bé đến lớn em sống trong một môi trường ít có ai văng tục, chửi bậy (gia đình em đều là cán bộ công chức nhà nước nên không hề có kiểu nói như thế). Gặp chồng em cũng không thấy anh ấy như vậy (ơn trời, chắc do anh ấy sống xa gia đình từ bé nên không bị ảnh hưởng nhiều). Và mặc dù ngày xưa khi vợ chồng em đang còn ở giai đoạn yêu nhau, em cũng từng bị “choáng” một vài lần khi được dẫn về ra mắt nhưng không ngờ bây giờ điều đó lại ảnh hưởng nặng nề đến gia đình em như thế này.
Việc khó chịu trước việc văng tục của ông bà nội là một chuyện nhưng điều em lo lắng nhất chính là những ảnh hưởng xấu đến con. Em cảm thấy bất lực trước việc ông bà luôn mồm nói những từ thiếu lịch sự, kiểu “hàng tôm, hàng cá” trước mặt con. Nu là đứa trẻ khá nhạy cảm và tiếp thu nhanh, cháu lại biết nói khá sớm. Vì thế để con càng ở gần ông bà bao nhiêu thì mẹ càng lo bấy nhiêu. Mặc dù em đã góp ý với ông bà nhiều lần nhưng vẫn không ăn thua. Ông bà toàn xuề xòa theo kiểu “quen mẹ nó rồi, không thay đổi được”. Em cũng có nhắc chồng góp ý với bố mẹ song quả thực chồng em cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Bây giờ quả thực em không biết phải làm như thế nào, nếu cứ để tình trạng này diễn ra em sợ Nu nhà em hư mất thôi. Ít nữa lớn hơn, em sợ con càng khó uốn nắn.
Hoàng Thu
Email: labelle…@hotmail.com