Thai chết lưu là hiện tượng trứng đã thụ tinh và làm tổ trong tử cung, nhưng bào thai không phát triển được thành thai nhi trưởng thành, bị chết và lưu lại trong tử cung thai phụ trên 48 giờ. Thai chết lưu dễ xảy ra nhất ở 3 tháng đầu.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thai chết lưu. Trong đó, có thể kể đến một vài nguyên nhân chính như khi đang mang thai thì mẹ bị sốt. Vì hệ thống điều nhiệt của thai chưa hoạt động, khả năng thải nhiệt của thai rất kém nên khi người mẹ bị sốt, dễ làm thai bị chết lưu. Tử cung của mẹ bị dị dạng, tử cung nhị tính, tử cung kém phát triển làm cho thai bị nuôi dưỡng kém cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng thai chết lưu. Mẹ bị các bệnh lý mạn tính như: viêm thận, thiếu máu, suy gan, lao phổi, bệnh về tim, huyết áp cao… hoặc bị các bệnh nội tiết như: đái tháo đường, thiểu năng giáp trạng, thiểu năng hay cường năng thượng thận…cũng dễ khiến thai chết lưu.
Những người mẹ phải lao động vất vả, chế độ dinh dưỡng kém, mang thai khi ngoài 40 tuổi hoặc béo phí có nguy cơ thai chết lưu cao hơn. Đặc biệt, với thai phụ có tiền sử thai chết lưu, nguy cơ thai chết lưu trong lần có thai tiếp theo thường cao gấp 3 đến 4 lần nhóm phụ nữ bình thường.
Ngoài các nguyên nhân bắt nguồn từ thai phụ còn có nguyên nhân do thai nhi như: bất thường nhiễm sắc thể, xung khắc nhóm máu giữa mẹ và con, dây rốn bị chèn ép, bị xoắn. bánh rau bị bong, xơ hóa, nhiễm khuẩn trong bụng mẹ…
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp thai chết lưu mà không xác định được nguyên nhân.
Các dấu hiệu giúp phát hiện thai chết lưu
Thai không máy: Từ sau 20 tuần tuổi, thai bắt đầu máy. Nếu không thấy thai máy, chuyển động thì đó có thể là một dấu hiệu của thai lưu.
Chiều cao của tử cung không thay đổi: Khi bé lớn lên, tử cung của mẹ cũng phải phát triển theo. Chiều cao của tử cung tăng tương ứng với số tuổi thai. Nếu số đo này không thay đổi hoặc giảm đi thì rất có thể thai đã chết.Ngực mềm, không còn căng tức: Ngực căng tức và tiết sữa là tình trạng bình thường khi mang thai do nội tiết tố thay đổi. Nếu ngực bỗng dưng mềm, không còn căng tức thì đó là dấu hiệu bất thường.
Nếu âm đạo tiết ra nhiều dịch sẫm màu, thậm chí có mủ (nếu thai chết lưu đã lâu) kèm theo một số biểu hiện như chán ăn, buồn nôn, toàn thân mệt mỏi… thì có thể thai đã chết lưu. Khi thai phụ khám thai định kỳ thường sẽ được kiểm tra nhịp tim thai. Nếu không nghe thấy tim thai, thai phụ sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm để tìm hiểu lý do, trong đó có nguyên nhân thai đã bị chết.
Khi thấy xuất hiện một trong số các dấu hiệu bất thường trên, thai phụ cần đi thăm khám để có những chẩn đoán, xử lý kịp thời nhất.
Nên lưu ý gì sau khi thai chết lưu?
Bác sỹ Hà Anh, Bệnh viện Phụ sản, cho biết, thai chết lưu không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe người mẹ mà còn dẫn tới những tổn thương về tinh thần, đặc biệt là với những phụ nữ khó mang thai, gia đình hiếm con. Do vậy, sau khi đã lấy thai lưu ra rồi, các chị em cần có một khoảng thời gian để phục hồi cả về thể chất lẫn tinh thần. Với thai lưu hơn 15 tuần, chị em cần nghỉ ngơi trong vòng 30 ngày.
Khi chị em thấy trong người khỏe mạnh, tư tưởng đã thoải mái, có ham muốn tình dục thì có thể quan hệ vợ chồng được nhưng nên áp dụng biện pháp tránh thai. Bởi khi đã bị thai chết lưu, phải tránh thai ít nhất là 3 tháng mới nên có thai lại. Trong thời gian chờ có thai lại, 2 vợ chồng có thể làm xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ. Người vợ có thể làm xét nghiệm định nhóm máu Rh.
“Chế độ ăn uống nên có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng gồm tinh bột, đạm, chất béo, vitamin. Đồng thời bổ sung axít folic, tránh hút thuốc lá, không uống rượu, các đồ uống có cồn, giữ cân nặng hợp lý… để chuẩn bị cho lần mang thai sắp tới được an toàn hơn. Khi có bầu, chị em không nên làm việc nặng nhọc, tránh xa các hóa chất độc hại, giữ tâm lý cân bằng, tinh thần thoải mái và khám thai định kỳ để đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh”, bác sỹ Hà Anh nói.
Minh Minh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.