Khổ vì nhân viên đỏng đảnh

0
114
Công ty tôi nhân viên cứ bị nhắc một tý là…nghỉ việc!

Nhìn chung mỗi công ty đều có một cái ưu nhược điểm riêng nhưng với công ty tôi thì có một cái nhiêu khê không tưởng đó là nhân viên suốt ngày mắc bệnh “dỗi hờn”, cứ động một tý là dọa nghỉ việc, dọa không được thì đâm đơn xin nghỉ thật.

Công ty tôi nhân viên cứ bị nhắc một tý là…nghỉ việc!

Tôi làm việc ở công ty này được hơn một năm rồi. Hơn một năm qua tôi chứng kiến không biết bao nhiêu nhân viên chưa kịp cũ đã ra đi và thay thế vào đó là một vị trí mới toanh. Làm việc nhiều với cả đồng nghiệp cũ lẫn đồng nghiệp mới tôi đúc rút ra một cái nguyên nhân vì sao nhân viên công ty tôi động một cái là lại nghỉ việc.

Có những lý do nghỉ việc rất buồn cười. Sếp cũ của tôi không hài lòng với cách làm việc của cấp trên, nghỉ việc. Sau khi sếp nghỉ, một số nhân viên thân tín làm việc với sếp cũng nghỉ với lý do không tìm được tiếng nói chung với công ty, cho dù vị trí của họ không hề thay đổi và định hướng chung cho công việc vẫn vậy. Ngẫm cái phận nhân viên khác gì “lính đánh thuê” làm hết trách nhiệm và nghĩa vụ của mình là tốt rồi, đằng này chỉ vì lý do “không tìm thấy tiếng nói chung” mà nghỉ thì cũng thật trẻ con. Mà buồn cười ở chỗ là sau khi nghỉ thì họ lại thất nghiệp và nuối tiếc cái vị trí mà họ đã từng làm, rồi lại nói “ước gì…”.

Công ty tôi nhân viên cứ bị nhắc một tý là…nghỉ việc!

Có nhân viên đang làm việc rất bình thường, đúng trách nhiệm và nghĩa vụ. Một ngày đẹp trời đi làm muộn và ảnh hưởng đến tiến độ chốt deadline khiến cả team bị sếp mắng vì sai hẹn. Trưởng nhóm có nhắc nhở cô vài câu, không nặng không nhẹ đại ý là “em phải biết là hôm nay là một buổi rất quan trọng của team mình, anh đã nhắc từ tuần trước, mà đến giờ em viện lý do là tắc đường. Nếu biết là tắc đường tại sao không đi sớm hơn? Không lý do lý trấu!”. Thế là cô nàng ấm ức cho rằng sếp không biết thông cảm, đổ lỗi cho nhân viên, lại còn viết hẳn lên facebook kể lể rồi bạn bè cô ấy vào bình luận xôn xao bênh vực cô ấy. Trưởng nhóm vào đọc được và gửi mail riêng nói cô ấy không nên đem chuyện công ty lên facebook nói ảnh hưởng đến uy tín của công ty thì cô ấy đùng đùng mail lại “đã thế thì em nghỉ việc!”. Một câu chuyện quá lãng xẹt với cái “Tôi” to oạch và thiếu hẳn đi lý trí để suy nghĩ.

Dường như người ta càng trẻ thì người ta lại càng cho mình cái quyền được sai thì phải? Rồi sau ngày nghỉ việc đó, cô ấy vẫn lên facebook ám chỉ nói xấu sếp cũ và oán thán chế độ của công ty. Thiết nghĩ, nếu cô ấy đi xin việc ở đâu, đồng nghiệp hoặc sếp mới đọc được những dòng tâm sự cô ấy chỉ trích công ty cũ họ sẽ nghĩ gì?

Khổ vì nhân viên đỏng đảnh

Lại có chuyện hài hơn, thích lên là nghỉ việc. Có một cô đang làm lễ tân được 1 tháng, công  việc cũng chẳng vất vả gì, lúc đầu vào rất hào hứng hoan hỉ, chả hiểu sao sau 1 tháng không thấy đi làm nữa, còn chưa kịp nhớ tên thì đã nghỉ. Hỏi lý do thì hóa ra cô ấy bị giao nhiệm vụ làm chứng từ hoàn thuế, trước đó cô ấy có nói là sẽ làm được vì tốt nghiệp khoa kế toán, sau đó thấy việc khoai quá nên không nói không rằng báo ốm rồi nghỉ luôn, điện thoại gọi cho thì tò te tí…Dăm bữa nửa tháng thấy gọi cho phòng nhân sự báo là không đi làm nữa vì bố mẹ bắt về quê lấy chồng! Chuyện thật mà cứ như đùa, hài không thể tả!

Có lẽ do sự phát triển quá nhanh của môi trường công sở nên nhân viên chưa kịp được đào tạo kĩ năng về văn hóa làm  việc cũng như văn hóa nghỉ việc chăng? Chính thế mà vô số những trường hợp nghỉ việc rất vô tội vạ và rất coi thường văn hóa doanh nghiệp vẫn diễn ra hàng ngày ở công ty tôi.

Thiết nghĩ, chúng ta dù làm việc ở môi trường nào cũng nên dành cho công việc  một sự tôn trọng nhất định, cho dù bạn đã có còn cảm tình với công việc thì một lá đơn gửi trước một tháng và trình bày cụ thể với công ty vẫn là một cách chứng tỏ bạn là một người có văn hóa, không chỉ là văn hóa công sở!

Minh Châu

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.