Sau 15 năm tìm kiếm đáy biển ngoài khơi thị trấn Wellfleet, bang Massachusetts, nước Mỹ, người săn kho báu Barry Clifford tin rằng cuối cùng mình đã tìm thấy con tàu cướp biển duy nhất từng được phát hiện ở Bắc Mỹ. Được gọi là Whydah Galley, con tàu chở số kho báu khổng lồ cướp từ ít nhất 53 tàu trước khi chìm do bão vào ngày 26/4/1717, theo National Geographic.
Kho báu được lấy từ tàu cướp biển Whydah Galley.
Sau khi nhìn thấy một chiếc súng đại bác dưới đáy biển, Clifford vui sướng đến mức tự nhảy xuống nước để tận mắt chứng kiến.
“Dưới này vẫn còn nhiều thứ”, ông nói với đội tìm kiếm thông qua trang phục lặn của mình.
Clifford lấy ra từ tàu một cái túi chứa đầy cát và vụn vàng. “Có cả một dòng sông vụn vàng dưới này”, Clifford nói thêm.
Clifford là người trực tiếp lặn để tìm kho báu. (Ảnh minh họa)
Ông tiếp tục phát hiện hai miếng bạc Tây Ban Nha. “Hãy nhìn này”, ông hét lên qua… và truyền sự phấn khởi vì tìm được kho báu cho khắp phi hành đoàn 9 người. “Lần cuối cùng một người chạm vào số bạc này, họ đã bị cướp biển xử lý, hoặc được bán làm nô lệ”, Clifford nói.
Từ khi tìm thấy kho báu, Clifford khai thác hơn 200.000 cổ vật, bao gồm trang sức, đồng xu vàng, súng đại bác và thậm chí cả chuông tàu. Theo trang The Richest, kho báu từ tàu Whydah Galley là vô tận và vẫn được khai thác suốt hơn 30 năm kể từ khi được tìm thấy đến nay. Trang tin này cũng ước tính kho báu trên tàu cướp biển có tổng giá trị lên tới 400 triệu USD, tức hơn 9 nghìn tỷ đồng.
Chuyện tàu cướp biển khét tiếng
Được đóng làm tàu nô lệ vào năm 1715, Whydah Gally dài 30 m, nặng 300 tấn. Trong chuyến đi đầu tiên, nó bị cướp không lâu sau khi rời khỏi amaica, theo tờ New England Today.
Cướp biển Samuel Belamy, biệt danh Black Sam, được cho là cướp biển giàu có nhất thời đó, đổ bộ lên tàu, sử dụng tàu để cướp của cải từ tàu khác.
Mô hình tàu cướp biển Whydah Gally nặng 300 tấn.
Sau đó, Belamy cho tàu đi về phía bờ biển Wellfleet, Massachusetts, nơi người ta tin rằng người tình của hắn đang đợi.
Nhưng Whydah Gally chưa bao giờ đến đích. Theo lời kể, đội cướp biển say rượu ngây ngất, không thể đến nơi cần đến. Thay vào đó, họ gặp một cơn bão mạnh vào đêm 26/4/1717. Gió giật lên tới 112km/h khiến biển động dữ dội, tạo ra những cơn sóng cao tới 9m.
Mặc dù không quá xa bờ, thủy thủ trên Whydah không thể thoát khỏi cơn bão và đã đâm sầm vào bãi cạn, vỡ tan tành. Chỉ 2 trong số 146 người trên tàu sống sót sau vụ đắm tàu.
Một trong hai người này cho biết số kho báu trên tàu Whydah rất lớn, bao gồm 180 túi vàng bạc được chia đều cho thủy thủ đoàn, cất giữ trong rương, New England Today viết.
Whydah chở số kho báu cướp được từ 53 tàu trước khi chìm.
Khi tin tức về kho báu của Whydah được lan truyền, người dân đổ ra biển để tìm kiếm. Thống đốc thuộc địa Samuel Shute lúc đó đã phái người đi tìm kho báu. Tuy nhiên, quân của ông chỉ tìm thấy nhiều xác người trôi nổi trên biển, không hơn không kém.
Trong suốt 2,5 thế kỷ tiếp theo, Whydah tiếp tục là điều bí ẩn. Nhiều câu hỏi được đặt ra mà không có câu trả lời. Xác tàu ở đâu? Còn kho báu nào bên trong không?
Kho tàng lịch sử về cướp biển
Sau hơn 260 năm chìm dưới đáy biển, xác tàu Whydah cuối cùng cũng được người săn kho báu Barry Clifford tìm thấy vào tháng 7 năm 1984. Sau khi sửng sốt phát hiện ra bụi vàng và thỏi bạc quý, nhóm của Clifford tiếp tục khai thác thêm nhiều bằng chứng cho thấy đây chính là con tàu cướp biển huyền thoại.
“Cậu nên xuống đây”, Clifford nói với cộng sự trên tàu trong khi ông đang lặn biển. “Tôi đã tìm thấy phần lớn của thân tàu, với rất nhiều gỗ. Wow”.
Trước đó, Clifford đã phát hiện nhiều hiện vật từ Whydah (bao gồm cả chiếc chuông tàu ghi “The Whydah Gally-1716”). Tuy nhiên, ông vẫn chưa bao giờ thấy bất kỳ phần nào của thân tàu, được cho là nơi cất giữ kho báu bị mất tích.
Chuông của tàu Whydah Gally.
Lúc sau, cộng sự của Clifford cũng lặn 9 mét sâu dưới biển cùng ông và mang một miễng gỗ to về. Clifford tiếp tục nói với cộng sự: “Tôi muốn có thêm bằng chứng thuyết phục”.
Kích thước và hình dạng của xác tàu dưới này khớp với Whydah. Gỗ trông cũng cũ. Nó đang ở đúng vị trí và các cổ vật nằm quanh tàu giống các hiện vật được thu thập trước đó.
“Tôi có thể sai, nhưng trong thời điểm này, tôi sẽ nói rằng đó là một phần thân tàu của Whydah”.
Nhưng Clifford không sai. Sau phát hiện này, đoàn thám hiểm của ông tìm thấy thêm rất nhiều bằng chứng khác. Họ thấy mảnh vỡ của vũ khí, quần áo, đồ trang sức và dụng cụ của cướp biển.
Các vật dụng của cướp biển lấy từ tàu Whydah Gally.
Đồ dùng phổ biến nhất trong xác tàu là đạn bắn chim và đạn dùng cho súng nòng dài, được thiết kế để chống lại kẻ tấn công tàu trực tiếp. Phát hiện này cho thấy cướp biển thời đó dường như thích chiến đấu cự ly gần hơn sử dụng đại bác hủy diệt.
Cuối cùng, bên cạnh vô số đồng xu và vũ khí, các nhà thám hiểm tìm thấy một thứ thực sự ấn tượng: một xương chân người trong giày da màu đen. Ghép với bộ quần áo được vớt, cái xương cho thấy tên cướp biển trung bình cao khoảng 1,6 mét, chứ không phải người khổng lồ như phim Hollywood.
Mô hình xác tàu Whydah Gally được trưng bày tại bảo tàng.
Tất cả những gì tìm được trong xác tàu giúp người hiện đại hiểu hơn về thế giới cướp biển Bắc Mỹ hồi thế kỷ 18, họ ăn mặc thế nào và chiến đấu ra sao.
Khác với các kho báu khác được đem bán, hàng nghìn hiện vật lấy từ tàu cướp biển được đem trưng bày để mọi người có thể chiêm ngưỡng và tìm hiểu.
Clifford đã mở Bảo tàng Cướp biển Whydah vào mùa hè năm 2016.
Mùa hè năm 2016, Clifford đã mở Bảo tàng Cướp biển Whydah ở West Yarmouth, Massachusetts – bảo tàng duy nhất trên thế giới trưng bày kho báu của tàu cướp biển được công nhận. Tại đây, một bản sao cùng kích thước của tàu Whydah Gally cũng được trưng bày.