Khổ vì sếp vừa tham lam, vừa hà tiện!

Sếp tôi: Vừa tham lam, vừa bần tiện!

 Bạn có muốn nghe  câu chuyện “bần tiện truyền kỳ” về ông sếp của tôi không? Đại khái là thế này, công ty tôi được nhà nước đầu tư bằng ngân sách cho các hạng mục như xây dựng cơ bản, lắp đặt máy móc, thiết bị. Còn lại, phải tự cân đối thu chi để sửa chữa, mua sắm và trả lương. Sếp tôi lại là một ông già “đại keo kiệt”, nhưng không phải là để cho việc công mà thực chất là để vơ vét nhét túi riêng, gây ra biết bao nhiêu khổ sở, phiền hà cho đám nhân viên chúng tôi.

  Đầu tiên là hạng mục xây dựng trụ sở công ty. Thì ngân sách mà, tội gì không xây, nghe nói xây to lên thì sếp còn có phần trăm bên nhà đầu tư nữa. Vậy nên sếp tôi “vẽ” ra đủ loại phòng chức năng để xây dựng cho nhiều. Cái cơ quan toàn nữ, hết giờ làm việc là phóng về với con mà xây cả nhà thi đấu, bể bơi. Chịu, chả biết cho ai dùng. Thậm chí còn “vẽ vời” đến mức, cả phòng kiểm soát chỉ có 3 người, phòng ngân sách nội bộ chỉ có 4 người mà trưởng phòng cũng phải ngồi riêng cho “tiện bề công việc”. Không biết tiện thế nào chứ mỗi lần nhân viên sang xin chữ ký cứ đứng xa gõ cửa hồi hộp như phim. Mà công việc thì cứ phải trao đổi, xin chữ ký liên xoành xoạch chứ có cách biệt gì.

Sếp tôi: Vừa tham lam, vừa bần tiện!

Xây xong cái trụ sở ấy, sếp tôi tậu được đến hai căn hộ mới, nghe nói là nhờ số tiền hoa hồng mà sếp được chủ thầu xây dựng “bo” cho, sếp cho luôn vợ chồng cô con gái cưng một căn. Trong khi sếp sợ tai tiếng, giấu tiệt đi thì lại có được cái anh con rể sếp mỗi khi đi uống bia, cao hứng oang oang với người quen là vừa đi làm xong thủ tục mua nhà cho bố vợ và được hưởng một căn từ hoa hồng của ông.

Trong đám người quen ấy lại có chồng của một chị nhân viên. Chị đến công ty kể lại, chuyện lan ra, sếp gọi chị lên phòng, đập bàn đập ghế chửi bới quát tháo ầm ầm lên vì cái tội vu khống, đặt điều. Chị bực quá, rút luôn điện thoại gọi cho chồng để xin lại số điện thoại của anh con rể sếp, tuyên bố sẽ làm rõ trắng đen cho sếp biết ai là người nói ra. Sếp đuối lý đành giật lấy điện thoại trong tay chị rồi bảo “chú nói như thế mà mày còn không hiểu, mày không thương chú, không ý tứ tí nào?!” Rồi ra vẻ quát tháo chung chung một hồi nữa mới cho chị về phòng. Đấy là chị nhân viên ấy “cứng” chứ lũ trẻ ranh chúng tôi thì chắc là sợ sếp cho nghỉ việc, sẽ im thin thít.

 Nhưng đấy là tôi lan man thôi, chủ đề chính muốn kêu ca, là cái sự keo kiệt của ông ấy cơ. Một phòng, 4 người, ông ấy chia 2, cho trưởng phòng ngồi riêng. Vậy bên kia, đám nhân viên còn lại, vì sao không được trang bị bình lọc hay cây nước uống? Theo lý lẽ gì mà ông ấy nghĩ đám nhân viên chúng tôi nên chết khát cả ngày? Góp ý nhiều rồi, ông ấy bảo “ngân sách, nên hết vốn”, người ta cho thế, đã dùng hết rồi. Ai mà chả biết, ông ấy vẽ ra, quy hết vào xây dựng cơ bản để chia chác hết rồi nên giờ làm gì còn tiền mà đầu tư trang thiết bị? Thật, nghe xong chẳng lẽ nổi điên lên đập bàn  đập ghế mà cãi nhau!

  Nước uống không có, nhưng máy vi tính và máy in là những thứ tối thiểu để chúng tôi làm việc, vì lí gì cũng không? Lạy trời, mang laptop cá nhân đi đã đành, chúng tôi mỗi lần muốn in lại còn phải gõ cửa trưởng phòng. Báo hại những ngày trưởng phòng nghỉ hoặc đi công tác là chúng tôi vác mặt sang gặp trưởng phòng khác in nhờ, nói không quá, chúng tôi nhục không khác gì cu li. Mà trưởng phòng ngồi riêng, máy lạnh điều hòa, công việc thì không cần phải in, thế làm cái quái gì mà phải còn ôm khư khư cái máy in bên ấy? Có ý kiến thì sếp bảo, để thế cho hoành tráng, khách đến gặp cán bộ chủ chốt của công ty chả lẽ không có cái máy in? Ôi mẹ ơi, bất quá đám nhân viên đành góp tiền tự mua cái máy in mà dùng. Mỗi người đóng góp 2 triệu bạc, rút ra vừa xót ruột vừa điên. Thế mà sếp còn mắng cho vì tội dùng tốn giấy in, đáng lẽ không nên rước cái máy in đời cũ ấy về! Thật không còn thuốc nào chữa nổi cái tính khí khó ưa của sếp!

Sếp tôi: Vừa tham lam, vừa bần tiện!

 Công ty chúng tôi có cả hội trường, trông như những lớp học vì thường xuyên phải đào tạo dự án. Vì lý do đã nêu, mỗi một phòng 20m vuông có đến 12 cái bóng điện. Nhưng lắp xong, chia chác xong thì người ta cắt bớt đi cho đỡ tốn. Chuyện ấy thật ra là rất đúng, nên điều tiết cho đủ sáng thôi, không cần thừa thãi. Nhưng cắt đến mức phòng tối như hũ nút, lại đúng chỗ giảng viên ngồi, không điện không quạt không máy chiếu thì không thể nào chấp nhận. Góp ý thì bảo “dây điện thiết kế vậy rồi, giờ mà nối dây vào cái điểm “trọng tâm” ấy thì cả loạt bóng kéo theo lại sáng lên!” Hic, đời tôi chưa thấy cay cú với điều gì như thế. Mỗi lẫn đào tạo dự án, chúng tôi lên lớp cho học viên mà muốn túm sếp vào đánh cho một trận tơi bời!

 Chưa hết, cánh cửa nhà vệ sinh nữ hỏng một tháng nay rồi, nó không thể nào chốt được, cứ chốt là bật ra. Đề nghị đến buổi họp thứ 5 rồi, sếp còn cáu kỉnh “mấy chị em làm cái gì mà cánh cửa nó hỏng? Tại sao bên nam nó lại bình thường?” Đúng là càng kể ra đây càng nổi nóng! Đỉnh điểm là chuyện wifi quá tải, vì sếp mua cái gói cước viễn thông có hơn 100 nghìn. Gần 100  con người dùng cái gói wifi bé tẹo, nó cứ bị “limited” suốt ngày. Sếp thản nhiên “tại mọi người không biết dùng thôi chứ ở chỗ sếp, có mỗi một nhà đăng ký mà cả xóm xài chùa!”

 

Thôi tôi không kể nữa đâu. Bởi vì nói xong thì chúng tôi cũng thấy mình nóng mặt lên rồi. Tôi làm cho xong việc, còn phải về với con. Hi vọng sắp tới tôi kiếm được cơ hội mới khả dĩ hơn cái nơi chết tiệt này!

Khánh Hoàng

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.