Sánh ngang với thảm họa hạt nhân và thiên thạch, biến đổi khí hậu có thể khiến con người và mọi sinh vật diệt vong.
Nếu như cách đây 500 năm, các hoạt động của tự nhiên tăng nhiệt cho Trái Đất khoảng 0,01 độ C mỗi thế kỷ thì, trong vòng 50 năm trở lại đây, kể từ khi các cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra ồ ạt, Trái Đất ngày càng bị “đốt nóng” với mức nhiệt tăng 1,7 độ mỗi thế kỷ.
Các nhà khoa học nhận định, chính con người đang gây ấm lên toàn cầu, khiến biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra bất thường, khó đoán. Nếu so với tự nhiên, con người đang khiến quá trình biến đổi khí hậu nhanh gấp 170 lần!
Giới khoa học lo lắng. Còn chúng ta thì vẫn hàng ngày đối mặt với những thương vong đến từ những trận nắng nóng, sốc nhiệt hay thảm họa bất thường từ tự nhiên.
Hàng loạt biểu đồ, hình ảnh của các nhà khoa học thuộc NASA và NOAA (Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ) cho chúng ta thấy, con người (nguyên nhân chính) đang “hun nóng” Trái Đất nhanh như thế nào kể từ năm 1880.
Hình ảnh 1:
Dữ liệu cập nhật ngày 19/4/2017. (Nguồn: NASA.)
*Chú thích biểu đồ: Màu đỏ càng đậm thể hiện nhiệt độ trung bình trên toàn Trái Đất (đất liền và địa dương) theo hàng tháng.
Nhà khoa học Brian Kahn thuộc Trung tâm Khí tượng Mỹ cho biết: “Màu xanh mát mẻ trên Trái Đất ngày càng bị thay thế bởi những gam màu đỏ đậm. Trái Đất đang ngày càng nóng lên một cách báo động.”
Hình ảnh 2:
Nguồn: Đại học Reading (Anh).
Các chuyên gia thuộc trường Đại học Reading (Anh) đã xây dựng biểu đồ nhiệt độ toàn cầu từ năm 1850 đến năm 2016 cho thấy, sự ấm lên toàn cầu tăng dần theo thời gian.
Trong đó, riêng tháng 7 năm 2016 trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử (kể từ năm 1850).
Hình ảnh 3:
Nguồn: NOAA.
GS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục môi trường và Phát triển (CERED), cho biết, trong Báo cáo Khí hậu toàn cầu của NOAA, tháng 3 năm 2017 là lần đầu tiên nhiệt độ trung bình đất liền và đại dương trên thế giới cao hơn giá trị trung bình cùng giai đoạn hàng năm hơn 1 độ C.
Xét từ năm 1880 đến nay, đây là tháng 3 có nhiệt độ trung bình kỷ lục cao thứ 2 – chỉ sau tháng 3 năm 2016 (giai đoạn chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino).
“Có thể nói đây là sự bất thường rất đáng chú ý về sự dao động nhiệt độ trung bình của đất liền và đại dương trên toàn thế giới. Bởi từ trước tới nay, hiện tượng nóng lên bất thường của nhiệt độ đất liền và đại dương thường đi kèm với hiện tượng El Nino.
Trong khi số liệu cho thấy, thời điểm từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2017, khí hậu toàn cầu đang bị chi phối bởi pha trung tính (có nghiêng 1 chút về pha lạnh) của ENSO.
Chúng ta có thể nghĩ rằng, đây là một hệ quả của sự gia tăng hiệu ứng nhà khí trên thế giới. Nồng độ khí nhà kính trên khí quyển ghi nhận vào tháng 3 năm 2017 đã là hơn 407ppm.
Có thể chính lớp khí nhà kính này đã hình thành lớp bẫy nhiệt, cản trở sự thoát nhiệt của đất liền và đại dương sau sự nóng lên cục bộ do tác động của El Nino 2015-2016″, GS.TS Nguyễn Hữu Ninh phân tích.
Thảm họa Trái Đất tăng lên 2 độ C
Hình ảnh 4: Nhiệt độ toàn cầu sắp chạm ngưỡng 1,5 độ C.
Nguồn: Ed Hawkins.
Việc chạm ngưỡng 1,5 độ C trên toàn cầu đang được các nhà khoa học đưa ra nhiều cảnh báo để con người kiểm soát. Viện Phân tích ứng dụng hệ thống Quốc tế (IIASA) cảnh báo: Con người chỉ còn 10 năm để cứu Trái Đất khỏi thảm họa “tận thế khí hậu”.
Giới khoa học cảnh báo: Nếu Trái Đất tăng thêm 1 độ C (tức là nhiệt độ toàn cầu chạm mức 2 độ C), thì lượng nước sạch trên 1/3 diện tích bề mặt đất liền sẽ bốc hơi sạch. Đại dương nóng lên khiến các loài sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng.
Ấm lên toàn cầu, biến đổi khí hậu sánh ngang thảm họa hạt nhân và thiên thạch. (Ảnh minh họa: Internet.)
Băng trên toàn thế giới có khả năng tan chảy ồ ạt, khiến nước biển toàn cầu dâng lên 10 mét. Chưa dừng ở đó, nhiệt độ tăng cao sẽ gây nên hàng loạt căn bệnh gây chết người như sốc nhiệt nặng.
Chưa bao giờ, khoa học lại lo lắng về nhiệt độ trên chính Trái Đất của chúng ta như lúc này. Sánh ngang với thảm họa hạt nhân và thiên thạch, biến đổi khí hậu có thể khiến con người diệt vong.
Theo Soha