Người Hy Lạp cổ đại thấy rằng việc khỏa thân đem lại cả sự thoải mái và tiện lợi, do đó, họ thiết kế ra những loại quần áo gấp nếp có thể cởi bỏ dễ dàng khi cần thiết.
Họ thấy rằng các vận động viên thoải mái hơn khi tập luyện trong tình trạng không mảnh vải che thân, đồng thời, các học giả cũng thường đến giảng đường trong tình trạng… trần như nhộng. Cảnh ăn mặc thiếu vải này thậm chí đã trở thành truyền thống vào mỗi kỳ Olympic thời đó.
Có nhiều bằng chứng cho thấy người Sparta thường xuyên rũ bỏ y phục mỗi khi thi đấu.
Những sự kiện tiền thân của Olympic xuất hiện từ tận 1100 năm trước Công nguyên, và vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, có nhiều bằng chứng cho thấy người Sparta thường xuyên rũ bỏ y phục mỗi khi thi đấu. Khi không bị cấm thoát y, những vận động viên này đạt tỉ lệ chiến thắng cao hơn hẳn, và do đó, những vận động viên khác bắt đầu nhái lại kiểu ăn mặc này. Từ đó trở đi, khỏa thân đã trở thành truyền thống của mỗi kỳ Olympic, cho tới khi cuộc thi này bị vua Theodosius chính thức cấm vào năm 393 sau Công nguyên vì các lý do tôn giáo.
Khi Thế vận hội Olympic chính thức hồi sinh 1500 năm sau đó vào năm 1896, khỏa thân lúc này đã không còn là mốt nữa. Khó có thể hình dung việc các vận động viên thả rông mọi thứ và thi đấu trước con mắt của hàng triệu triệu khán giả. Nhưng sẽ ra sao nếu điều đó là sự thực? Liệu rằng việc mặc quần áo có làm chúng ta kém hiệu quả hơn trong tập luyện và thi đấu?
Liệu rằng việc mặc quần áo có làm chúng ta kém hiệu quả hơn trong tập luyện và thi đấu?
Ngày nay, trang phục tập luyện và thi đấu trong thể thao đã được chuyên biệt hóa ở mức tối ưu. Bộ trang phục chơi golf được thiết kế chuyển từ vật liệu polyester sang hỗn hợp vật liệu nhẹ hơn. Vận động viên crossfit được thiết kế loại giày chuyên biệt. Các loại áo thi đấu được trộn thêm các chất kháng khuẩn. Rất nhiều cải tiến đã được áp dụng nhằm tối ưu hóa hiệu năng tập luyện và thi đấu.
Công nghệ đã thực sự thúc đẩy ngành công nghiệp thể thao lên một tầm cao mới, với những sản phẩm được tạo ra chỉ để tối đa mục đích của nó – chạy, nhảy, bơi, leo trèo – bất cứ thứ gì. Nhưng tất cả điều đó liệu có tốt hơn việc… không mặc gì hay không?
Quần áo có làm chúng ta thấy nóng bức? Chật chội? Chúng có phải là thứ đang kiềm hãm chính cơ thể chúng ta? Chẳng phải sẽ tốt hơn hay sao, khi chúng ta có thể tự nhìn thấy toàn bộ cơ thể mình lúc tập luyện và thi đấu?
Chẳng phải sẽ tốt hơn hay sao, khi chúng ta có thể tự nhìn thấy toàn bộ cơ thể mình lúc tập luyện và thi đấu?
Robert Herbst, cựu vận động viên và hiện đang là huấn luyện viên cử tạ chuyên nghiệp, hoàn toàn đồng tình với nhận định trên. Khi từng thi đấu, Herbst đã giành 18 giải vô địch thế giới, 33 giải vô địch quốc gia và là thành viên danh dự thuộc tổ chức AAU Strength Sport.
“Quần áo sẽ khiến việc thi đấu gặp trở ngại nếu nó gây ra tình trạng giữ nhiệt. Nếu nó quá chật, nó sẽ giới hạn tầm vận động và ngăn cản dòng tuần hoàn lưu thông. Còn nếu quá rộng, nó rất dễ gây vướng víu vào các dụng cụ thi đấu”.
“Chưa kể đến việc quần áo với chất liệu không phù hợp rất dễ gây kích ứng, hoặc ứ đọng mồ hôi tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn phát sinh” – ông cho biết thêm.
Kat Setzez, một huấn luyện viên khác cũng đồng tình với nhận định trên. “Khi trút bỏ những bộ đồ thi đấu diêm dúa, bạn đang tập cho các cơ giữ được trạng thái tự nhiên – điều này rất tốt cho việc cố định hông và cột sống. Đi chân trần khi tập luyện sẽ cải thiện khả năng thăng bằng hơn rất nhiều so với khi đi giày, khi cảm nhận của bạn trở nên hạn chế. Tương tự như vậy, việc trút bỏ quần áo sẽ khiến cơ thể bạn có được cảm nhận tốt hơn về tư thế không gian, từ đó đem lại hiệu quả tập luyện tốt hơn”.
Việc khỏa thân sẽ làm bạn dễ bị nhiễm nấm và vi khuẩn hơn.
Tuy nhiên, cũng có những chuyên gia khác chỉ ra những điểm bất lợi của việc khỏa thân.
“Quên ngay suy nghĩ ấy đi” – Alex Roder, một bác sĩ tại San Diego khẳng định. “Việc khỏa thân sẽ làm bạn dễ bị nhiễm nấm và vi khuẩn hơn, bởi quần áo chính là thứ kéo các tác nhân đó ra khỏi da bạn. Những loại quần áo nhẹ nhàng, không quá chật chội và thoát mồ hôi là những thứ phải có khi tập luyện”.
Dù bảo vệ cho luận điểm tập luyện khỏa thân của mình, nhưng Herbst cũng nhận ra những lợi ích của quần áo tập luyện. Vấn đề là bạn cần tìm ra sự cân bằng. “Nên lựa chọn những loại quần áo giúp tập luyện thoải mái và hiệu quả. Quần áo vừa có thể có lợi, vừa có thể có hại, tùy thuộc vào bản chất của loại quần áo, cũng như loại hình tập luyện. Quần áo có thể giúp bạn tránh khỏi các tác nhân gây hại như nhiệt, lạnh hay mưa gió bởi nó có tính chống thấm, cũng như nó sẽ giúp làm ấm cơ và các khớp. Nó cũng giúp việc vận động hiệu quả hơn nhờ cách tạo ra sức ép hoặc lực hỗ trợ”.
Sự lựa chọn hoàn toàn nằm ở bạn. Nhưng hãy nhớ rằng khỏa thân không phải là mốt thời trang cho năm 2018 hay những năm tới, nên nếu có ý định thả rông tới phòng tập vào tuần tới, xin bạn hãy cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Theo Trí Thức Trẻ