“Khoan hãy chửi sếp ngu!”

0
117
“Khoan hãy chửi sếp ngu!”

Tôi biết có quá nhiều người trẻ vừa tốt nghiệp đại học và bắt đầu bước vào cuộc sống tự lập, nôm na là chấm dứt thời kì ăn bám bố mẹ để đi làm. Họ cầm mảnh bằng tốt nghiệp loại trung bình, loại khá và có thể là loại giỏi, một vài chứng chỉ học vội khi còn ngồi trên ghế nhà trường và huênh hoang mang nó đi xin việc, mở miệng ra đòi mức lương cao tương đương với tấm bằng mà họ có. Họ nghĩ “bằng đại học là minh chứng cho năng lực của họ, là cánh cửa thần kì để họ có thể bước chân đến thành công!”. Tôi dám chắc hầu hết những tân cử nhân có cái Tôi to vật vã đều mang một nỗi hoang tưởng như thế khi đi xin việc và kết quả là…

Nhà tuyển dụng họ sẽ cười vào mặt bạn một cách kín đáo hoặc có thể rũ toẹt vào mặt bạn “bạn có gì để tôi có thể trả cho bạn mức lương như thế?”. Tân cử nhân cứng họng, không lẽ là trả lời “tôi chẳng có gì ngoài cái Tôi to tướng!”.

“Khoan hãy chửi sếp ngu!”

Sau hơn một lần “fail” phỏng vấn, tân cử nhân bắt đầu hoang mang, các loại áp lực dồn đến khi ra trường đã lâu mà đã thất nghiệp, trong khi “học giỏi thế cơ mà!”. Thế là tân cử nhân bắt đầu mang CV trắng đến những công ty nhỏ nhỏ, xin việc không lương để lấy kinh nghiệm hoặc ăn lương thử việc, dù chỉ bằng tiền đổ xăng xe nhưng mà có việc đã, trông cho nó đỡ “bệ rạc”!

Thế là tân cử nhân thành ma mới công sở, trước khi đi làm cũng giắt lưng đủ các bí kíp chống “đì đọt – dìm hàng” công sở. “Mình mà phải chịu nhún á? Mình mà phải biết nhường á?”. Ma mới mang cái tâm thế của một kẻ “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” đi làm!

Sếp giao cho ma mới đi chụp một bộ ảnh thời trang. Ma mới chắc mẩm “đúng nghề của mình rồi!”. Hớn hở đi chụp thì trời mưa, mà phong cách ảnh thì phải là street style cơ, làm sao đây? Thôi kệ, cứ chụp đã!

Ma mới giao cho sếp bộ ảnh xấu không thể ngửi nổi, ánh sáng thì không có, hình bết vào hậu cảnh, mẫu thì lờ đờ, quần áo như vơ vội vào người. Sếp nhìn bộ ảnh rồi nhìn “ma mới” và hỏi “Này! Có thật cậu tốt nghiệp trường nghệ thuật ra không đấy? Cậu đang đưa mấy cái ảnh của bọn học sinh cấp 1 tập bấm máy cho tôi xem đấy à?”.

“Khoan hãy chửi sếp ngu!”

Ma mới nóng mắt quá “đẹp thế mà dám chê à?”. Không thèm hỏi sếp xem bộ ảnh xấu ở đâu, chỉ nghe thấy sếp có thái độ với “tác phẩm” của mình, ma mới nhảy dựng lên đốp chát ngay “em nói cho anh  biết, em là sinh viên giỏi của trường đấy, em đã từng đạt giải thưởng này giải thưởng nọ đấy, nói về trình độ, em hơn hẳn anh đấy! Bộ ảnh đấy em thấy chẳng có vấn đề gì cả, chỉ là mắt anh có vấn đề thôi!”. Sau khi xả một tràng bực dọc và huyễn hoặc về bản thân, ma mới đùng đùng bỏ ra khỏi công ty, xuống quán trà đá ngồi và gọi bạn bè khắp nơi để tâm sự về “lão sếp đã ngu lại còn tỏ ra nguy hiểm, không biết gì về nghệ thuật!”.

Hiển nhiên, cái kết sẽ là nghỉ việc, cho dù tự nghỉ hay bị cho nghỉ thì cũng đều là nghỉ việc cả. Bởi cho dù sếp có “ngu” thì sếp cũng sẵn sàng cho một “ma mới” dù năng lực chuyên môn siêu đẳng nhưng quá láo toét và ảo tưởng sức mạnh “out” ngay khỏi công ty. Đằng này thì ma mới chỉ là một tập sự không hơn không kém!

Không biết mình, sẽ không biết người. Đó chính là lý do những người trẻ thường xuyên đưa mình vào bi kịch của cuộc sống: Sự vô minh!

Vì vô minh nên người trẻ (trẻ người- non dạ, tuổi tác không bàn đến ở đây) không thể phân định được đúng-sai, cao-thấp, phải-trái. Vì vô minh nên người trẻ luôn thích vỗ ngực tự hào với cái Tôi ảo tưởng như con ếch tự phồng miệng thổi cho bụng mình to rồi nghĩ mình là voi, vì vô minh nên nghĩ bản thân mình là hổ trong khi lá gan chỉ là con chuột nhắt. Vì có quá nhiều kĩ năng ảo tưởng sức mạnh nhưng lại quá ít kĩ năng cảm nhận lý lẽ ở đời cho nên cứ nghĩ sự “nhẫn” đi kèm  với sự “nhục”.

“Khoan hãy chửi sếp ngu!”

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng nhìn chung không nên đổ tại gia đình, nhà trường hay xã hội. “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân” luôn đúng. Không biết những người trẻ đó, sau những cú “fail” liên tục với sếp, với nhà tuyển dụng, với những hoang mang, thất bại của chính mình, liệu có bao giờ nghỉ ngơi cái miệng trách móc, chửi đời của mình lại mà ngẫm nghĩ “Tại sao họ ngu họ lại làm sếp, còn mình tài mình giỏi thì mãi chỉ là một đứa nhân viên quèn?”. À, bạn sẽ lại đổ tại cho khách quan phải không? Hãy cứ đổ tại cho tất cả, ném căm hờn vào xã hội, lỗi chẳng phải tại bạn đâu, vì bạn là tuyệt nhất, giỏi nhất, tài nhất rồi! Hãy tự thổi bụng mình to như con ếch đã từng làm, rồi sẽ có ngày bạn nhìn ra kết quả: Một kẻ thất bại toàn tập!

Sếp ngu hay không, không đến lượt bạn luận bàn. Việc của một nhân viên là làm đúng (thậm chí xuất sắc) nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Trong công việc, nếu bạn muốn chứng tỏ cái Tôi, hãy chứng tỏ bằng năng lực thông qua công việc, chỉ có thế bạn mới xứng đáng để người khác tôn trọng, nếu bạn thực sự muốn được người khác tôn trọng!

Phượng Ớt

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.