Có tới 50% số mẫu vật lịch sử tự nhiên đang lưu trữ tại các bảo tàng trên thế giới có thể đang bị đánh tên sai.
Một nửa mẫu vật lịch sử tự nhiên trên thế giới bị đánh tên sai
Trong một tuyên bố ngày 16/11, chuyên gia Robert Scotland về khoa học cây trồng của Đại học Oxford cho rằng nhiều lĩnh vực của khoa học sinh vật, bao gồm nghiên cứu học thuật về tiến hóa và bảo tồn, phụ thuộc nhiều vào việc xác định tên chính xác của các loài. Nếu thiếu đi sự chính xác này, bộ dữ liệu toàn cầu sẽ không còn ý nghĩa do mất đi tính kết nối với thực tế bên ngoài.
Nhóm của chuyên gia Scotland đã nghiên cứu 4.500 mẫu vật của giống Aframomum châu Phi thuộc họ gừng. Một nghiên cứu chuyên khảo chi tiết về giống này đã được hoàn thành trong năm 2014, cung cấp một bộ hồ sơ chính xác cao về tất cả các loài của giống này cùng các mẫu vật hiện đang lưu trữ trên thế giới.
Theo nhóm nghiên cứu, trước khi có bộ hồ sơ này, ít nhất 58% số mẫu vật của giống này hoặc là bị nhầm tên, tên không chính xác hoặc quá cũ, hoặc chỉ được xác định thuộc họ gừng. Do tới nay mới chỉ có một vài giống được nghiên cứu chuyên khảo, các nhà khoa học tin rằng vẫn còn một số lượng lớn các mẫu vật vẫn đang chịu cảnh nhầm lẫn này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: biotik.org).
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện một số trường hợp cùng một loại thực vật song lại được đánh tên khác nhau tại các bảo tàng khác nhau. Phân tích 21.075 mẫu vật của Dipterocarpaceae, một họ cây rừng nhiệt đới châu Á, đã cho thấy có tới 29% số mẫu rơi vào tình huống này.
Lỗi tương tự cũng được tìm thấy trong hệ thống dữ liệu trực tuyến. Các nhà khoa học đã quét dữ liệu của Ipomoea – một họ thực vật lớn và đa dạng bao gồm cả khoai lang – trong hệ thống dữ liệu Cơ sở Thông tin đa dạng sinh học toàn cầu. Kết quả kiểm tra 49.500 mẫu vật từ châu Mỹ cho thấy 40% trong đó vẫn sử dụng tên cũ đã lỗi thời thay vì cập nhật tên mới, 16% mang tên sai và vô nghĩa. Thậm chí, có 11% số mẫu không hề có tên và chỉ được xác định họ.
Theo các chuyên gia, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, giới học thuật chưa có đủ thời gian để tiến hành nghiên cứu chuyên khảo chi tiết cho từng loài. Thứ hai, số lượng các mẫu vật toàn cầu đang gia tăng với tốc độ nghiên cứu khó có thể theo kịp, 50% số mẫu vật thống kê trong năm 2000 được thu thập từ sau năm 1969.
Và cuối cùng, có quá nhiều bảo tàng và phòng lưu trữ mẫu thực vật khiến các chuyên gia gặp khó khăn trong việc bao quát tất cả các mẫu vật.
Zoe Goodwin, một tác giả tham gia vào nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Current Biology (Sinh học đương đại) của Mỹ, tin rằng có thể có tới 50% các mẫu vật lịch sử tự nhiên hiện tại đang bị đánh tên sai.
Theo TTXVN/Vietnam+