Một khoang tàu chứa đầy bụi sao chổi đã hạ cánh thành công xuống Trái đất vào lúc 16g57 (giờ Hà Nội, ngày 15/1). Vụ hạ cánh này diễn ra sau khi khoang rời khỏi tàu mẹ Stardust vào sáng nay, kết thúc hành trình kéo dài 7 năm hay 4,64 tỷ km.
Cú hạ cánh ngoạn mục
Khoang tàu nặng 45kg đã hạ cánh xuống Căn cứ không quân Mỹ ở sa mạc Utah, trước sự hò reo vui mừng của các nhà khoa học. Với thành công này, sứ mạng Stardust sẽ cho phép các nhà khoa học lần đầu tiên nghiên cứu mẫu sao chổi. Đây lần đầu tiên kể từ năm 1972, vật liệu rắn ngoài Trái đất đã được thu thập và đưa về Trái đất.
Vào lúc 12g56 (giờ Hà Nội), Stardust đã cắt dứt các dây cáp nối nó với khoang hạ cánh khi bay ngang qua Trái đất. Một phút sau, các lò xo trên Stardust đẩy khoang hạ cánh rời khỏi tàu. Và Stardust tiếp tục bay ra xa khỏi Trái đất.
Chừng 4 tiếng sau, khoang hạ cánh lao vào khí quyển Trái đất với tốc độ 46.440km/giờ – tốc độ nhanh nhất của vật thể nhân tạo. Được biết người dân ở phía bắc California, Oregon, Idaho, Utah và Nevada có thể nhìn thấy cuộc hạ cánh này, nếu thời tiết tốt.
Được biết, dù của khoang hạ cánh đã được triển khai ở độ cao 3km bên trên mặt đất. Ngay sau khi hạ cánh, khoang của phi thuyền đã được máy bay trực thăng hoặc xe cơ giới tìm kiếm. Mẫu sẽ được chuyển bằng đường không tới Trung tâm vũ trụ Johnson ở thành phố Houston vào đầu tuần tới.
Nhiệm vụ Stardust
Nhiệm vụ của Stardust bắt đầu vào năm 1999. Nó đã bay quanh Mặt trời ba lần và bay nửa chừng tới sao Mộc để bắt giữ các hạt của sao chổi Wild 1 vào tháng 1/2004. Để bắt giữ các hạt bụi, Stardust dùng một tấm ván có hình chiếc vợt tennis.
Tấm ván chứa nhiều hốc có kích cỡ bằng cục đá và được lót một loại vật liệu xốp tên là aerogel. Aerogel gồm silicon dioxide tinh khiết và 99,8% không khí, có tác dụng chặn các hạt bụi lại song không làm biến đổi chúng.
Sau khi thu bụi xong, tấm ván gập xuống thành một chiếc bao giống như gàu xúc và ở nguyên vị trí đó trên Stardust trong chuyến đi trở về Trái đất. Các chuyên gia mong đợi những hạt bụi này có đường kính chỉ bằng 1/10 đường kính của sợi tóc người.
Giới khoa học cho rằng sao chổi là những vật chất còn lại từ quá trình hình thành các hành tinh. Họ hy vọng bụi mà Stardust thu thập được sẽ cung cấp một số manh mối về nguồn gốc của Thái dương hệ cách đây 4,5 tỷ năm.
Trong năm 2004, phi thuyền Genesis mang các ion mặt trời đã đâm sầm xuống Trái đất khi dù của nó không thể triển khai. Sau tai nạn của Genesis và thảm họa tàu con thoi Columbia 2003, nhóm kiểm soát mặt đất đã dành 6 tháng kiểm tra và xem xét thiết kế của Stardust để chắc rằng không có lỗi nào xảy ra.
Minh Sơn
Theo VietNamNet