Khói bụi ô nhiễm từ Trung Quốc bắt đầu lan sang Việt Nam

Các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy vùng khói bụi màu hồng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan và miền Bắc Việt Nam.

Trong những ngày đầu tiên của năm 2017, hơn một nửa dân số Trung Quốc đã phải chịu cảnh khói bụi mù mịt do ô nhiễm không khí tại quốc gia này. Khoảng 31 tỉnh thành trên toàn Trung Quốc đã phải ban hành báo động đỏ về ô nhiễm không khí, qua đó thực hiện nhiều biện pháp mạnh tay như hạn chế số lượng xe lưu thông ngoài đường hay đóng cửa nhiều nhà máy để giảm khói bụi.

Giờ đây, sự ô nhiễm không khí của Trung Quốc có vẻ đang được “xuất khẩu” sang một số nước láng giềng.

Ngày 3/1/2017 vừa qua, Hàn Quốc đã phải nâng mức cảnh báo ô nhiễm không khí do lượng khói bụi từ Trung Quốc bắt đầu tràn sang nước này. Thủ đô Seoul cũng đã phải nâng báo động không khí lên mức cao lần đầu tiên kể từ tháng 11/2015.

Vùng khói bụi màu hồng của Trung Quốc đã lan sang các nước lân cận.

Hàng loạt tổ chức nghiên cứu môi trường của nước này cũng đã khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, còn giới truyền thông thì đồng loạt đưa tin về luồng khói bụi ô nhiễm tràn sang từ Trung Quốc.

Tại Đài Loan, cơ quan môi trường của khu vực này cho biết chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở đây đã lên mức báo động đỏ khi khói bụi từ Trung Quốc đại lục tràn sang.

Theo các tổ chức nghiên cứu cũng như số liệu từ cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA), khói bụi ô nhiễm từ Trung Quốc đã di chuyển nhờ các luồng gió và áp thấp, qua đó ảnh hưởng đến nhiều nước láng giềng xung quanh.

Các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy vùng khói bụi màu hồng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan và miền Bắc Việt Nam.

Thông thường, tình trạng ô nhiễm không khí tại Trung Quốc sẽ gia tăng trong mùa đông do các hộ gia đình sử dụng nhiều than để sưởi ấm. Lượng lớn khói bụi từ phía Bắc Trung Quốc bắt đầu theo những luống gió tràn xuống phía nam và các vùng xung quanh. Chỉ số AQI của rất nhiều thành phố phía Nam đồng bằng sông Châu Giang thường vượt mức 300, mức ô nhiễm nặng.

 

Theo Thời Đại