Khốn khổ, tự ti vì bệnh hôi miệng đeo bám

Khốn khổ, tự ti vì bệnh hôi miệng đeo bám
Bệnh hôi miệng khiến nhiều người mất đi sự tự tin. Vì căn bệnh đó mà người ta ngại tiếp xúc trực tiếp, hạn chế mọi giao tiếp vì sợ người đối diện khó chịu khi phát hiện ra mùi hôi từ hơi thở. 
Mất hết tự tin vì bị bệnh hôi miệng đeo bám
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hơi thở khó chịu, có thể là do vệ sinh răng miệng kém, do bệnh tật, do tuổi tác, do dùng một số loại thuốc chữa bệnh hoặc đơn thuần là do thức ăn hoặc hút thuốc lá cũng dẫn đến tình trạng hôi miệng. 
Bệnh này tưởng chừng đơn giản vì không làm chúng ta mệt mỏi, uể oải như mắc phải các căn bệnh khác nhưng lại là bệnh lấy đi sự tự tin của khổ chủ. 
Với những nghề cần phải giao tiếp nhiều như hướng dẫn viên du lịch, giao dịch viên, lễ tân… thì việc có một hơi thở thơm tho để tự tin giao tiếp là vô cùng quan trọng. Chị Lan Anh, làm giao dịch viên tại một ngân hàng lớn ở Hà Nội, là ví dụ điển hình gặp phải không ít phiền toái vì bị hôi miệng. Chị tâm sự: “Gần đây, tôi thấy hơi thở của mình nặng mùi quá, đi kiểm tra răng miệng thì bác sĩ nha khoa nói nguyên nhân là do chiếc răng khôn trong cùng không được vệ sinh đúng cách, để lại nhiều mảng bám nên dẫn đến hơi thở có mùi”.
Răng khôn ở vị trí sâu trong cùng, việc vệ sinh nó là rất khó, nếu ai không cẩn thận thì sẽ để lọt nhiều mảng bám, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, từ đó dẫn đến bệnh hôi miệng. Như trường hợp của chị Lan Anh còn dễ khắc phục, chỉ cần vệ sinh đúng cách là giải quyết được tình trạng hôi miệng. 
Khốn khổ, tự ti vì bệnh hôi miệng đeo bám
Còn có nhiều trường hợp mắc bệnh hôi miệng do bệnh lý như hở van dạ dày, rối loạn tiêu hóa làm cho hơi thở khó chịu. Những đối tượng này cần mất rất nhiều thời gian, sự kiên trì mới có thể trị tận gốc chứng hôi miệng. Anh Hoàng Thanh (Gia Lâm – Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều khi thấy chẳng muốn nói chuyện với ai nữa vì chính bản thân mình còn thấy khó chịu với hơi thở của mình nữa là người khác. Chắc phải mất một thời gian nữa, tôi mới điều trị xong bệnh hở van dạ dày, hy vọng lúc đó sẽ loại bỏ được mùi hôi từ hơi thở”. 
Trong hầu hết trường hợp khác, hơi thở có mùi phần lớn là do vi khuẩn sinh sôi nảy nở trong miệng, do sâu răng, kẽ răng, mặt lưỡi không được vệ sinh cẩn thận nên vi khuẩn có điều kiện để phát triển mạnh. Hoặc bệnh cũng gặp ở những người bị vấn đề về nướu, viêm lưỡi, viêm lợi…dẫn đến hơi thở khó chịu. 
Một nguyên nhân khác dẫn đến bệnh hôi miệng là do chúng ta sử dụng thuốc điều trị bệnh như thuốc cao huyết áp, thuốc an thần, thuốc chữa trầm cảm, thuốc chống histamines, thuốc chữa bệnh Parkinson, thuốc lợi tiểu, amphetamines…
Những điều cần biết để hạn chế mắc bệnh hôi miệng
Ngoài ra, bệnh hôi miệng còn do một số bệnh khác trong cơ thể gây nên như bệnh nhân bị viêm xoang, viêm họng, các bệnh về mũi, sỏi amidan, bệnh chai gan làm hơi thở có mùi tỏi hoặc mùi trứng thối, bệnh thận hư hơi thở có mùi tanh như cá, bệnh ung thư máu làm hơi thở có mùi tanh…
Một điều nữa, phụ nữ nên biết đó là trong thời kỳ kinh nguyệt, hơi thở của chị em sẽ xuất hiện mùi lạ bởi sự thay đổi kích thích tố trong người, sinh ra chất hơi có lưu huỳnh bay qua đường phổi làm hôi miệng. Nên trong những ngày này, chúng ta cần lưu ý việc vệ sinh răng miệng kỹ hơn nữa để loại bỏ mùi khó chịu. 
Những điều cần biết để hạn chế mắc bệnh hôi miệng
Để loại trừ được bệnh hôi miệng chúng ta cần nâng cao ý thức vệ sinh răng miệng thật tốt sau mỗi bữa ăn, không để thức ăn còn dư bám lại ở kẽ răng. Dùng chỉ nha khoa thường xuyên để loại bỏ lượng thức ăn ở kẽ răng. 
Nếu bị sâu răng thì bạn nên đến bác sĩ nha khoa để kịp thời xử lý, tránh tình trạng để những hố răng sâu lâu ngày dẫn đến viêm tủy răng, thức ăn bám lại tạo điều kiện cho vi khuẩn làm ổ sinh sôi phát triển trong miệng. 
Vệ sinh răng chưa đủ, bạn cần phải chú ý vệ sinh cả mặt lưỡi bởi nếu mặt lưỡi đóng bựa sẽ là nơi vi khuẩn tá túc gây mùi hôi. Nhưng lưu ý khi cạo lưỡi vệ sinh lưỡi cần nhẹ nhàng, tránh làm mặt lưỡi bị xây xước. 
Ngoài ra, chúng ta nên hạn chế ăn các thức ăn có mùi nặng như tỏi, hành sống… nên ăn nhiều trái cây và rau, hạn chế đạm và chất béo cũng là cách giữ cho hơi thở thơm tho suốt cả ngày. 
Quan trọng hơn cả, khi bạn thấy mình mắc chứng hôi miệng hãy đi bác sĩ kiểm tra để tìm ra nguyên nhân và điều trị tận gốc bệnh lý dẫn đến hôi miệng.
Hạnh Vân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.