Khốn khổ vì là… con sếp!

Khốn khổ vì là... con sếp!

Con sếp là phải… dốt?

Có trong tay 2 tấm bằng đại học trong nước, học Thạc sĩ Kinh tế tại nước ngoài, lại từng có mấy năm kinh nghiệm quản lý, nên dù còn rất trẻ, cũng không có gì khó hiểu khi ngày đầu tiên về công ty của bố, Hùng đã được giao luôn cho vị trí Trưởng phòng kinh doanh. Thế nhưng, chưa tận hưởng niềm vui được bao lâu thì Hùng đã “tá hỏa” với vô số những việc từ trên trời rơi xuống.

Ngay trong buổi liên hoan đầu tiên với phòng mới, đằng sau những tiếng cụng ly, lời chúc tụng, Hùng cũng không khỏi giật mình trước những cái nguýt dài, hoặc những câu nói bóng gió xa gần: “Ôi dào, con vua thì làm vua, ở đời lúc nào chẳng thế”, rồi “Con sếp ắt phải làm sếp, chứ cần gì biết tài cán đến đâu”.

Khốn khổ vì là... con sếp!

Vừa tự nhủ: “Chẳng qua mọi người chưa hiểu mình nên nói vậy”, Hùng vừa cố gắng hết mình trong công việc để khẳng định và chứng tỏ chứng tỏ bản thân. Nhưng mọi thứ quả thực không hề dễ dàng như Hùng tưởng, các nhân viên tuy bên ngoài vẫn một điều sếp, hai điều dạ vâng, nhưng bên trong thì luôn ngấm ngầm chống đối, không làm theo hoặc tỏ ra không phục.

Chưa hết, những thông tin “thông tấn xã con vịt” không biết từ đâu ra cứ truyền tai hết người này đến người khác: Nào là nhờ bố làm sếp, nhà giàu nên chạy điểm cho Hùng đỗ và học được hai trường đại học, hay: Chắc lại ăn chơi, đú đởn quá nên mới bị tống ra nước ngoài, gắn thêm cái mác du học chứ Thạc sĩ gì. Đến vị trí Trưởng phòng ở công ty cũ trước mà Hùng đã làm, cũng được khẳng định là: “Công ty bạn bố nên được ưu ái, cho cái chức danh thôi, chứ có tiếng mà làm gì có miếng’. Thậm chí, có lần Hùng còn vô tình nghe được cô nhân viên của mình đứng nói oang oang giữa phòng rằng: “Chỉ biết dựa hơi bố mà cũng nghĩ mình oách lắm vậy, thử ra ngoài xem, làm nhân viên quèn chắc gì đã xong”.

Bức xúc và ngán ngẩm, Hùng thở dài: “Sao mọi người lúc nào cũng có định kiến về con sếp, con nhà giàu thế nhỉ? Chẳng lẽ cứ nhà giàu, bố làm sếp là phải… học dốt, ăn chơi, không làm được tích sự gì hay sao?”.

Trở thành “bia đỡ đạn” cho cả phòng

Cùng cảnh ngộ “con sếp không hề sướng” như Hùng, câu chuyện của Trang lại dở khóc dở cười theo một cách khác.

Kể từ khi chính thức vào làm tại phòng kế toán trong công ty của mẹ, bỗng dưng Trang kiêm luôn chân… xin xỏ cho cả phòng. Từ những việc nhỏ nhặt như người này bị đau chân, muốn xin làm việc tại nhà vài hôm, đến những chuyện to hơn như: “Chị làm một năm rồi mà chưa được xem xét tăng lương, em thử hỏi giúp chị”. Ai ai cũng vin vào một cớ: “Em là con của sếp, lời nói kiểu gì chẳng có trọng lượng hơn bọn chị” để nhờ vả hết việc này đến việc khác. Không giúp thì khó xử, mà hỏi giúp thì liên tục bị mẹ mắng vì: “Không phải việc của con, sao không lo tập trung vào chuyên môn mà cứ đi lo việc bao đồng cho người khác như thế hả”, khiến Trang chẳng biết làm thế nào cho đúng.

Khốn khổ vì là... con sếp!

Không dừng lại ở đấy, mà khi cả phòng “gây án” hay công việc có “tội lỗi” gì là y như rằng, người phải đứng ra nhận hết tội lỗi bao giờ cũng là Trang, bởi: “Con sếp dù thế nào cũng chỉ bị mắng, xong là thôi, chứ làm gì có chuyện bị đuổi việc, nên em hãy chịu khó vì mọi người nhé”.

Vậy là vì cả nể, khó xử, gật đầu giúp, mà không ít lần Trang bị phê bình, bị mắng oan, khóc thút thít vì ấm ức. Trang chia sẻ: “Có lẽ mình phải chuyển chỗ làm, chứ cứ như thế này thì thực sự mệt mỏi lắm”.

Con sếp cũng “ế” người yêu

Xinh đẹp, giỏi giang, nhưng chỉ vì là con của một “sếp bự” mà dù đã đi qua tuổi “băm”, Mai vẫn một mình lẻ bóng. Nguyên nhân chính là bởi, rất nhiều chàng trong công ty lúc đầu có ý muốn “xách cưa” nàng, nhưng hễ cứ biết chức vụ Tổng giám đốc của bố Mai, và ngôi biệt thự “hàng khủng” mà nhà nàng đang sở hữu thì lại thấy… chạnh lòng. Có chàng còn tâm sự thẳng thắn rằng: “Giờ mà yêu em, chắc đến 99% người ta nghĩ anh hám giàu, anh lợi dụng. Mà con trai thằng nào cũng thế cả, bị nghĩ như vậy cứ… nhục nhục thế nào ấy” rồi sau đó cũng thờ ơ với Mai luôn.

Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở chỗ, bản thân Mai cũng rất kiêu hãnh về bản thân, cũng như ý thức rõ ràng về “gia thế, điều kiện” của gia đình mình, nên những tiêu chí mà nàng đặt ra cho “chàng trai lý tưởng” nếu kể ra cũng phải dài cả vài… trang giấy. Cứ thế, chàng này đến, rồi chàng khác đi, Mai vẫn thấy “thiếu hụt” tiêu chí này, tiêu chí nọ và lại “chịu ế” để chờ đúng “hoàng tử trong mơ” xuất hiện.

Hà Vy
 

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.