Từ khi đập thủy điện dòng chính Sambor được lên kế hoạch xây dựng, cư dân tỉnh Kratie (Campuchia) đã sống trong nỗi phập phồng lo sợ về các hậu quả mà công trình thủy điện này có thể gây ra cho nghề cá và nghề nông ven sông.
Báo cáo Resilience on the Mekong: A Vulnerability and Adaptation Assessment in North-East Cambodia (Tạm dịch: Khả năng phục hồi của Mê Kông: Đánh giá tính tổn thương và khả năng thích ứng tại khu vực Tây Bắc Campuchia) mới được công bố của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết các nguy cơ đối với khu vực này còn nghiêm trọng hơn cảnh báo.
Báo cáo tập trung vào 56km ven sông, khu vực giữa tỉnh Stung Treng và Kratie. Đây là khu vực rừng ngập nước có giá trị quan trọng về mặt sinh thái, nơi con đập dự kiến được xây dựng cách đó 20km.
Ngư dân ven sông Mê Kông
Con đập được coi là nguồn đe dọa chính đối với hệ sinh thái của khu vực vốn đã rất dễ bị tổn thương này.
Cụ thể, con đập sẽ đe dọa tới các dịch vụ sinh thái, sinh kế và giá trị đa dạng sinh học của khu vực. Chất lượng nguồn nước và đường di cư của cá sẽ bị ảnh hưởng.
Hồ chứa của công trình này sẽ làm ngập hầu hết các khu vực ven sông, làm mất đi nhiều loài và môi trường sống.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu, phá rừng, chặt cây, khai mỏ trái phép và đánh bắt cá không bền vững cũng là những mối nguy hại cho khu vực này.
Hạn hán, ngập úng và thay đổi chế độ mưa và nhiệt độ sẽ làm giảm nguồn nước ngầm; sự biến mất của các rào chắn sinh thái tự nhiên sẽ làm cho tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết triển vọng ảm đạm này, bao gồm: khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên của khu vực, đánh giá mối nguy từ thủy điện, nâng cao nền đất và cải thiện quá trình sử dụng đất.
Đặc biệt, báo cáo khuyến nghị rằng không nên xây đập Sambor để bảo vệ môi trường của khu vực nói trên.
Theo Thiên Nhiên