Mực nước biển trên toàn thế giới sẽ tăng ít nhất 2 m trong thế kỷ 21 và giờ đây nhân loại không có bất kỳ biện pháp nào để đảo ngược hiện tượng này.
Reuters cho biết, tuyên bố trên được đưa ra trong một hội nghị về khí hậu tại Đại học Oxford (Anh) vào ngày 29/9.
“Hiện nay mực nước biển tăng rất chậm, nhưng khi nó bước sang giai đoạn tăng tốc thì chúng ta sẽ không thể làm gì để ngăn chặn, dù loại bỏ được hoàn toàn khí thải”, Stefan Rahmstorf, một nhà khoa học của Viện Potsdam (Đức), phát biểu. Rahmstorf là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về biển.
Phần lớn các nhà khoa học tham gia hội nghị cho rằng khí thải nhà kính do con người tạo ra sẽ khiến nhiệt độ trái đất tăng thêm ít nhất 2 độ C trong thế kỷ 21. Nhiệt độ trung bình của hành tinh xanh đã tăng 0,7-0,8 độ C trong thế kỷ trước.
Theo Rahmstorf, hậu quả ít nghiêm trọng nhất mà loài người có thể chứng kiến là: Sau khi nhiệt độ trái đất ổn định, mực nước biển sẽ chỉ tăng chậm và đều trong vài thế kỷ, chứ không tăng tốc đột ngột.
Rahmstorf tính toán rằng nếu nhiệt độ trái đất chỉ tăng thêm 1,5 độ C thì mực nước biển vẫn tăng thêm 2 m trong vài thế kỷ tới. Khi đó một số quốc đảo sẽ biến mất, hàng nghìn bờ biển cũng bị xóa sổ. Trong trường hợp mực nước biển tăng thêm 1 m và nhiệt độ tăng 3 độ C trong thế kỷ này, nước biển sẽ dâng thêm 5 m trong vòng 300 năm tới.
Một bức tường chắn sóng trên bãi biển Coogee, Australia. (Ảnh: AP) |
“Loài người chẳng có cách gì để ngăn chặn sự dâng lên của nước biển trừ khi chúng ta giảm nhiệt độ trái đất. Để làm địa cầu trở nên nguội hơn, chúng ta phải giảm lượng khí CO2 trong khí quyển. Với những biện pháp mà các nước đang thực hiện thì việc giảm lượng khí CO2 là kế hoạch không tưởng”, Rahmstorf nói.
Các nhà khoa học cho rằng tình trạng băng tan là một trong những yếu tố thúc đẩy đà dâng của nước biển. Băng phản chiếu ánh sáng mặt trời. Khi diện tích băng trên bề mặt đại dương giảm, nước biển sẽ hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn và trở nên nóng hơn. Nước biển càng nóng thì băng tan càng nhanh.
Pier Vellinga, một nhà nghiên cứu của Đại học Wageningen (Hà Lan), nói: “Ngay cả khi chúng ta loại bỏ hoàn toàn khí thải trong bầu khí quyển thì sự dâng lên của nước biển vẫn không thể đảo ngược được nữa. Tôi kết luận rằng khi nhiệt độ trung bình của trái đất tăng hơn 2 độ C, khả năng băng trên đảo Greenland tan hết là 50% trở lên. Sau đó nước biển sẽ tăng thêm 7 m trong 300-1.000 năm tới”.
Đại diện của khoảng 190 nước đang tham gia hội nghị khí hậu tại thủ đô Bangkok của Thái Lan (khai mạc ngày 28/9). Theo AP, mục tiêu của hội nghị là thúc giục các nước tiến tới một thỏa thuận mới về cắt giảm khí thải để thay thế Nghị định thư Kyoto (sẽ hết hiệu lực vào năm 2012). Các nhà khoa học tham gia hội nghị ở Đại học Oxford đưa ra những bằng chứng trong lịch sử để bảo vệ quan điểm của họ về xu thế dâng lên của nước biển. Cách đây 3 triệu năm nhiệt độ trái đất tăng 2-3 độ C và mực nước biển tăng thêm 25-35 m, còn khoảng 122.000 năm trước nhiệt độ địa cầu tăng 2 độ C và mực nước biển tăng 10 m.
“Những cảnh tượng mà chúng ta đang chứng kiến tại Greenland, Nam Cực có thể chỉ là hiện tượng tạm thời, nhưng đó cũng có thể là sự khởi đầu cho xu thế mà trái đất trải qua từ 122.000 năm trước”, Vellinga nói.
Vellinga và các nhà khoa học khác khẳng định mực nước biển tăng thêm khoảng 20 cm trong thế kỷ trước và tốc độ dâng đang tăng dần. Sự dâng lên ấy làm tăng sức mạnh của nhiều cơn bão mà Ketsana đang hoành hành tại Đông Nam Á là một ví dụ.
“Mực nước biển càng cao thì lũ lụt do bão gây nên càng khủng khiếp”, Rahmstorf giải thích.
Robert Nicholls, một chuyên gia của Đại học Southampton (Anh) cho biết, khoảng 40 triệu người (chiếm 0,6% tổng dân số) trên khắp thế giới sống trong các vùng đồng bằng thường xuyên bị ngập. Những khu vực đó sở hữu tới 5% tài sản toàn cầu do sự hiện diện của nhiều dạng tài sản có giá trị cao như sân bay, nhà máy điện.
Theo Minh Long – Vnexpress