Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) hôm 30/5 cho biết, thời hạn ổn định cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm nay là không thể thực hiện được.
Trước đó, ngày 17/4, TEPCO tuyên bố có thể ổn định các lò phản ứng trong 6-9 tháng tới.
Tuy nhiên, với việc phát hiện tình trạng tan chảy ở lò phản ứng số 1 và số 3 vừa qua đã khiến các quan chức nước này tin rằng công việc phục hồi sẽ bị hoãn đáng kể, vì thế tiến độ công việc sẽ bị chậm lại.
Việc ổn định các lò phản ứng ở nhà máy Fukushima chưa biết bao giờ mới kết thúc.
(Nguồn: BBC).
TEPCO cũng cho biết họ đã thay thế thành công máy bơm nước để làm mát lò phản ứng số 5, nên nhiệt độ của lò phản ứng này đã giảm.
Sáng 29/5, máy bơm nước biển vào làm mát lò phản ứng và bể chứa nhiên liệu hạt nhân của lò phản ứng số 5 đã ngừng hoạt động, khiến nhiệt độ trong lò phản ứng và bể chứa tăng.
TEPCO đã lắp đặt một máy bơm dự phòng, khiến nhiệt độ nước trong lò phản ứng vào vào chiều 29/5 đã giảm và nhiệt độ trong bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng cũng bắt đầu ổn định trở lại.
Trước đó, TEPCO cũng đã khôi phục thành công các hệ thống làm mát bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng ở các lò phản ứng số 1, 2, 3 và 4.
* Liên minh cầm quyền của Đức vừa cho biết nước này sẽ đóng cửa tất cả lò phản ứng hạt nhân của nước này vào năm 2022.
Bộ trưởng môi trường Norbert Rottgen đã đưa ra thông báo trên sau cuộc gặp với liên minh cầm quyền.
Thủ tướng Angela Merkel đã lập ra ban đạo đức để xem xét vấn đề điện hạt nhân sau khi xảy ra thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, sự kiện châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình trên quy mô lớn ở Đức.
Ông Rottgen cho biết 7 lò phản ứng cũ nhất và nhà máy hạt nhân Kruemmel sẽ không hoạt động trở lại. 6 lò phản ứng khác sẽ dừng hoạt động muộn nhất vào năm 2012 và 3 lò mới nhất sẽ ngừng vào năm 2022 và sẽ không bao giờ được hoạt động trở lại nữa.
Một số người thuộc ngành công nghiệp hạt nhân của Đức cho biết việc đóng cửa các lò phản ứng sẽ gây hậu quả to lớn đối với nền công nghiệp của đất nước. Trước khi dừng hoạt động một số lò phản ứng, 23% sản lượng điện của Đức được sản xuất bởi các lò phản ứng hạt nhân.
Theo Đất Việt (BBC)