Giá mình đừng lên thành phố…

Cùng lớn lên ở một vùng quê nhỏ miền Trung, anh Sơn và chị Trang đến với nhau bằng tình yêu tự nhiên, trong sáng như hơi thở. Sau hai năm mong đợi, một thiên thần đáng yêu đã ra đời làm tròn vẹn thêm hạnh phúc của anh chị. Lẽ ra cuộc sống cứ đầm ấm, bình dị như vậy  nếu không có cái ngày anh đề xuất ý định hai vợ chồng chuyển vào Sài Gòn lập nghiệp.

Ước vọng đổi đời và có thể cho con một tương lai làm “dân thành phố” đã thổi bùng quyết tâm trong hai vợ chồng. Và họ rời bỏ quê hương với hai bàn tay trắng.

Anh xin làm nghề sửa xe máy, chị học nghề rồi làm thợ ở một tiệm cắt tóc. Tháng ngày trôi qua, cuộc sống ở nơi đô thị phồn hoa và vòng xoay cơm, áo, gạo tiền như cơn bão lùa vào tổ ấm của cặp vợ chồng trẻ. Dù hai vợ chồng chẳng ai dám ăn, dám chơi mà đều nai lung ra làm nhưng trong nhà lúc nào cũng túng. Ước vọng ban đầu dần dần lụi tàn, nhường chỗ cho những mệt mỏi in hằn trên bàn tay anh và đôi mắt chị. Tình cảm của hai người cũng không còn được nồng thắm như ngày nào.

Giữa lúc này, ông trời như càng muốn trêu ngươi khi ở tiệm cắt tóc chị làm bỗng đâu xuất hiện một vị khách nam thường xuyên lui tới. Lần nào tới anh ta cũng đề nghị đích danh chị Trang là người gội đầu cho mình. Trong lúc làm anh ta còn lân la trò chuyện, hỏi chị về gia đình, cuộc sống… Và muốn boa cho chị thêm một khoản xộp. Chị Trang không phải gái mới lớn để còn ngây ngô trước những hành động này. Sợ điều ra tiếng vào và cũng vì muốn giữ trọn với chồng, chị chưa bao giờ dám nhận những đồng tiền đầy ma lực kia.

Nhưng “miệng thế gian như làn sóng biển”, rồi cũng đến ngày chồng chị hay biết câu chuyện về “vị khách quen”.  Đêm ấy anh về nhà với mùi rượu nồng nặc trên người. Anh cật vấn chị trong trạng thái mất kiểm soát. Mặc cho chị đem cả tính mạng ra thề, anh vẫn không tin. Lần đầu tiên kể từ khi hai người về một nhà, anh đánh chị tàn nhẫn trước mắt đứa con nhỏ dại. Ôm nỗi nhục nhã và oan ức ê chề, chị phải xin làm ở tiệm khác để xóa đi những nghi ngờ của chồng. Nhưng gương vỡ khó lành, chồng chị cũng xin nghỉ chỗ đang làm để đi theo quản lý vợ. Từ đó bất cứ vị khách nam nào cũng trở thành lý do của những cuộc cãi vã và những trận đòn thừa sống thiếu chết. Quá uất ức, chị đòi ôm con bỏ về quê thì gặp phải vô số cản trở từ nhà nội vì chồng vu cho chị định trốn theo trai.

Quá bế tắc và đau khổ, chị đã tìm tới cái chết nhưng may mắn được phát hiện kịp thời và cứu sống. Sau sự kiện này, chồng chị cũng có chút thay đổi. Anh thừa nhận mình quá quắt và tìm căn nhà khác ở để xây dựng lại hạnh phúc. Nhưng thời gian mâu thuẫn kéo dài và những hằn học đã khiến anh chị vĩnh viễn không thể quay lại như xưa. Gia đình anh cũng không còn tin chị, anh chị em bên chồng vẫn thường xì xầm đưa chuyện, tiêm vào đầu anh những điều dối trá về chị. Và chuỗi ngày đau khổ của chị lại tiếp diễn như một định mệnh.

Dù thương con nhỏ, dù không muốn mang danh gái một đời chồng, cuối cùng chị cũng phải đâm đơn ra tòa để thoát kiếp đọa đày. Ở tòa, chồng chị luôn miệng phủ nhận việc đã đánh đập vợ và không chấp nhận ly hôn vì còn yêu thương chị. Nếu không phải vì yêu và muốn giữ lấy chị anh đã không ghen tuông đến thế. Chị mệt mỏi, không còn muốn nghe những lời yêu ích kỷ ấy. Cũng vì nghĩ đến điều ấy chị mới nhẫn nhục tới hơn mười năm. Nhưng nay ý chị đã quyết.

Tòa xử cho chị nuôi con. Anh trừng mắt, nói sẽ tiếp tục kháng cáo, nhất quyết không để chị ra đi.

Không còn sức để đôi co, chị chỉ biết thở dài, thầm nghĩ: Giá ngày ấy mình đừng lên thành phố…