Chúng ta vốn rất quen thuộc với hình ảnh thai nhi trong tử cung qua những hình ảnh siêu âm. Nhưng một bộ phận rất quan trọng, phát triển sớm nhất, âm thầm và với tốc độ nhanh chóng mặt mà ta không hề hay biết – đó là não bộ của bé.
Hệ thần kinh của thai nhi hình thành ngay từ thời điểm thụ thai. Đến tuần thứ 8, não bộ tương đối hoàn chỉnh. Tuần thứ 12 bé đã có hành vi phản xạ. Sang tuần thứ 24, não bộ bắt đầu hình thành nếp nhăn. Tuần thứ 32, kích thước não bộ tăng đáng kể, chuẩn bị đầy đủ để chào đời với đủ các giác quan. Điều này càng khẳng định tầm quan trọng của dinh dưỡng và sự tương tác giữa mẹ và bé đối với sự phát triển não bộ của bé. Hiểu được điều này sẽ giúp mẹ bầu bổ sung dinh dưỡng hợp lý, áp dụng các phương pháp thai giáo nhằm tối đa hóa tiềm năng phát triển não bộ ngay từ trong thai kỳ.
Não bộ thai nhi bắt đầu hoạt động khi nào?
Ngay từ thời điểm thụ thai, não bộ của bào thai đã hình thành và phát triển. Trong suốt 40 tuần lễ thai kỳ, thai nhi dần hoàn thiện các chức năng then chốt của bộ não, bao gồm: vận động, cảm xúc, giao tiếp và trí thông minh. Trong những tuần đầu thai kỳ, cứ mỗi phút não bộ của thai nhi sản xuất ra hàng triệu nơ-ron thần kinh mới. Điều này lý giải tại sao mẹ bầu hay mệt mỏi, mất sức vào giai đoạn này. Có thể nói, não bộ của thai nhi phát triển ở mọi thời điểm, nơron thần kinh được sản xuất không ngừng, các liên kết thần kinh cũng được hình thành liên tục.
Thai nhi có thể cảm nhận được giọng nói của mẹ, đây là nền tảng tích cực giúp bé phát triển khả năng ghi nhớ ngay cả khi chưa chào đời. Ở giai đoạn rất sớm của thai kỳ này, bộ não thai nhi đã bắt đầu hoạt động. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và những bài học bé cảm nhận được trong 40 tuần thai kỳ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến năng lực tư duy, cá tính, khí chất của bé sau này.
Sự phát triển của não bộ sau khi bé chào đời
Khi chào đời, trọng lượng não của bé bằng 1/4 trọng lượng não của người trưởng thành. Trong 10 năm đầu đời sau đó, não bộ của bé tiếp tục hình thành hàng tỷ các liên kết giữa tế bào thần kinh.
Có rất nhiều trường hợp mẹ bầu không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong thai kỳ. Em bé sinh ra có kích thước vòng đầu kém chuẩn. Kích thước vòng đầu nhỏ giúp mẹ sinh thường dễ dàng hơn, nhưng não bộ bé lại không được phát triển hoàn thiện. Những em bé sinh thiếu cân cũng có nguy cơ chậm phát triển não bộ. Sau khi sinh, sản phụ được khuyến cáo không nên ăn kiêng, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết để có nguồn sữa mẹ tốt nhất cho bé, tạo tiền đề cho não bộ của bé phát triển.
Năm đầu đời của bé được cho là thời điểm não bộ của bé phát triển nhanh nhất. Mẹ sẽ ngạc nhiên trước những thay đổi trong hành vi, khả năng tiếp thu, tư duy logic, kỹ năng giao tiếp, phản xạ của bé với thế giới bên ngoài. Sang năm thứ hai, bộ não của trẻ gần giống với não của người trưởng thành. Đến khi 3 tuổi, não của bé đã có hàng nghìn tỷ liên kết thần kinh. Từ 3-10 tuổi, bé sẽ phát triển vượt bậc về trí thông minh, cảm xúc và giao tiếp xã hội. Đây cũng là giai đoạn vàng của bé, cần được bố mẹ đặc biệt chú ý và quan tâm.
Mẹ cần hiểu rằng hoạt động của não bé rất đa dạng, gấp đôi so với người trưởng thành, không bao giờ phát triển đầy đủ mà sẽ thay đổi không ngừng.
Khác biệt giữa não bộ bé trai và bé gái
Não bộ của bé trai phát triển theo những cách khác với não bộ bé gái. Não bé trai phát triển từ phía sau (vùng kiểm soát vận động) lên phía trước (vùng kiểm soát suy nghĩ), trong khi đó não của bé gái phát triển theo hướng ngược lại từ trước ra sau. Bởi vậy, các bé trai thường phát triển các kỹ năng vận động trước khi hình thành suy nghĩ về chúng, còn bé gái lại thiên về phát triển các kỹ năng tư duy và ngôn ngữ. Đây được coi là lý do chính lý giải sự khác biệt giữa sở thích, việc lựa chọn nghề nghiệp, hành vi, cách xử lý tình huống giữa con trai và con gái.
Não bộ của bé hoạt động nhiều hơn não bộ của người trưởng thành?
Khá ngạc nhiên là não bộ của bé hoạt động tích cực hơn so với não bộ của người trưởng thành. Não bộ của bé tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin không ngừng do bé có nhiều trải nghiệm mới mẻ hơn so với người lớn.
Não chúng ta chỉ có khả năng giữ lại các liên kết thần kinh nếu nó được sử dụng thường xuyên. Đến năm 11 tuổi, những liên kết thần kinh không được sử dụng sẽ tự động mất đi. Vì vậy, nếu muốn bé phát triển toàn diện, hãy kích thích não bộ của bé bằng những trò chơi, những câu chuyện hoặc đơn giản là giao tiếp với bé hàng ngày.
Việt Hà – Nguồn: BW
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.