Đã có những người hiếu kì, những vị đại gia thích sưu tầm vật lạ bỏ số tiền hơn một trăm triệu đồng những mong mua chú trâu này nhưng đáp lại là cái lắc đầu của người chủ. Bởi lẽ với anh, chú trâu này không chỉ là một vật nuôi…
Chú trâu… nhổ sắn thay chủ
Tìm đến gia đình vợ chồng người cựu chiến binh Trương Văn Ngơi (thôn 3, xã Phú Long, Nho Quan, Ninh Bình), chứng kiến gia cảnh nghèo nàn của nhà ông mới hiểu rõ số tiền được trả cho chú trâu, “bạn thân” của con trai ông là Trương Văn Thành đáng giá thế nào với gia đình.
Theo ông Ngơi cho biết, hai vợ chồng ông sinh được ba người con, đến anh Trương Văn Thành thì chất độc chết người từ chiến trường phát tác khiến từ khi sinh ra, anh Thành không được khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác mà đôi chân co quắp lại thành vô dụng.
Thế nhưng, truyền lại cho con trai ngọn lửa nhiệt huyết của người lính Cụ Hồ, ông Ngơi không bao giờ thôi động viên con thích nghi với cuộc sống. Từ nhỏ, anh Thành đã phải tập đi bằng đôi tay. Tập mãi, tập mãi cho đến khi đôi tay rướm máu, nổi lên những vết chai sần thì anh cũng có thể thích nghi, có thể di chuyển thoải mái không kém người ta đi bằng đôi chân là bao.
Anh Thành tâm sự: “Ngày bé thấy tôi tập đi bằng đôi tay, nhiều đứa trẻ trong thôn cứ trêu đùa khiến tôi buồn lắm. Thế rồi ông trời đã gửi cho tôi một người bạn…”.
Người bạn ấy của anh Thành không chỉ có một đôi chân mà có tới hai đôi chân vững như bàn thạch. Bốn cái chân đó to như thân luồng, đen nhóng nhánh. Đó là bốn chân của chú trâu đực có trái tim của con người, người bạn thân thiết nhất của anh Thành.
Theo như lời ông Ngời kể lại, con trâu cái của nhà ông trong một lần lấy giống với con trâu Mura gốc Ấn Độ của Nông trường Phùng Thượng đã đẻ ra một con nghé lai rất đẹp vào năm 2005. Nghé non trở thành đứa con út của bà mẹ trâu bởi sau đó trâu mẹ bị bệnh không thể sinh nở được nữa.
Mang trong mình dòng máu lạ, nghé lớn nhanh như thổi. Mới 5 tháng tuổi nó đã nặng tới 1,2 tạ, lúc đó có người đến ngã giá 5 triệu đồng – tương đương hơn một cây vàng hồi ấy nhưng ông bà nhất định không bán vì thấy con trai suốt ngày quấn quýt với con trâu này.
“Có nắm cỏ mật non nào nó cũng dành cho trâu, buổi nào chăn nó cũng đòi đi cùng. Thành đã huấn luyện cho con vật trở thành một chú trâu khôn nhất trần đời. Con trâu có cái tên độc đáo là Đực”, ông Ngơi tủm tỉm cười kể lại.
Động tác đầu tiên anh Thành huấn luyện cho Đực, đó là biết gục đầu xuống để chủ dùng tay bám vào sừng, đu lên cổ rồi chễm chệ trên lưng. Động tác này ngốn mất của Thành đúng hai tháng ròng.
Phú Long vốn là miền núi vùng sâu, vùng xa, địa hình trắc trở, chia cắt bởi nhiều suối, nhất là khi vào mùa mưa. Trâu vốn là loài thích nước, bơi rất giỏi nhưng lặn ngụp thì không. Bởi thế, mỗi khi xuống suối, Thành lại tranh thủ kỳ lưng cho trâu rồi từ từ ấn mõm nó xuống nước.
Theo bản năng, khi mồm ngập trong nước bao giờ con vật cũng cố ngẩng đầu lên, hất tay người ra. Từng tí, từng tí một, ngày tiếp ngày, tháng nối tháng, cuối cùng cả cái đầu trâu cũng chìm xuống nước được rất lâu. Con vật đã thành thục kỹ năng lặn. Đó chính là bước tiếp theo để nó cúi sâu xuống nước cho người chủ trèo lên đầu vượt sông, băng suối khi mùa lũ.
Hằng ngày, người dân Phú Long thấy Thành cùng cái xe trâu chở hàng đi khắp nơi, mỗi xe chở đầy hàng như vậy thường nặng đến trên một tấn. Để có thể nhấc được eo càng xe lên vai cho trâu kéo, bình thường cần phải tới hai người lớn đỡ. Với người bình thường việc đó còn khó khăn chứ chưa nói đến người tàn tật như Thành thì đừng mơ có thể làm được việc này.
Ấy thế mà sau khi được tập đi tập lại động tác ghì thừng cho trâu cúi đầu, ngoắc sừng vào eo càng xe, con vật đã tự nhấc càng bỏ lên vai mình gọn gàng như một diễn viên xiếc. Chiếc xe trâu còn lùi được như một cái ôtô. Bình thường muốn lùi xe, người điều khiển phải nhảy xuống đất mà kéo thừng, lôi trâu đi giật ngược về phía sau. Nhiều người chưa quen nhìn thấy cảnh đó chỉ biết tấm tắc khen ngợi.
Động tác điều khiển xe có vẻ như rất đơn giản, anh Thành cứ điềm nhiên ngồi trên càng xe, giật nhẹ dây thừng là nó lùi thẳng tắp, chuẩn xác đến từng gang tay. Ngoài ra, con vật còn biết lấy sừng cài vào gốc sắn để bẩy củ lên, khéo léo chẳng kém gì tay người. Sau khi huấn luyện cho Đực “thành tài”, anh Thành hành nghề xe trâu, lúc chở hàng, lúc cày thuê.
Khi đi cày, chẳng cần dùng khẩu âm như người khác mà anh Thành chỉ hất nhẹ cái dây thừng là Đực hiểu ý làm theo lời chủ, khi gặp đá là nó biết dừng chứ không bao giờ để mẻ lưỡi cày. Một người, một trâu nhìn từ xa hệt như có một người tí hon ngồi trên con trâu khổng lồ cứ lầm lũi đi trên con đường làng.
Biết ghen như người
Chú trâu tên Đực này càng lớn càng trở nên đẹp so với những chú trâu khác. Thân hình bệ vệ với cặp sừng cong vút, giống như một chú trâu chiến hơn là một chú trâu nhà hiền lành như bản tính của nó. Một số thợ trâu biết tiếng đã đến xem và ước tính bằng mắt Đực phải nặng tầm 9-10 tạ.
To lớn là thế nên sức khỏe của nó cũng khác với trâu thường. Sức vóc trâu bình thường chỉ kéo cày được 3 sào ruộng mỗi ngày là đã phì hơi, chồn gối nhưng Đực mỗi ngày kéo cày 5 sào cứ băng băng, kéo xe sắn, xe gạch nặng gần 2 tấn không hề bị đuối.
Anh Thành kể, nhiều “nài trâu” từ nhiều nơi đổ về nơi đây gợi ý mua Đực về làm trâu chọi. Số tiền cứ dần tăng theo lượng người đến và gần đây có người trả 135 triệu đồng, một món tiền khá lớn đối với gia đình anh và cũng như giá trị của một chú trâu. Thế nhưng, anh Thành nhất quyết không bán dù nhà anh nghèo xác xơ, chẳng có lấy một đồ vật giá trị. Đắng cay thay thứ có giá nhất trong nhà lại là chiếc xe lăn của anh có giá hơn 2 triệu đồng do một tổ chức trao tặng.
“Đực nó sống tình cảm như người, nó là bạn tôi nên không bao giờ có chuyện tôi bán nó. Tôi sinh ra đã coi như mất hai chân, bán nó đi khác nào lần nữa tôi chặt chân mình” anh Thành bùi ngùi chia sẻ. Từ nhỏ đến lớn, chú trâu này gắn bó với anh Thành như hình với bóng, dù đi xem phim hay thậm chí đi… tán gái nó cũng chở anh đi. Lúc anh nói chuyện với bạn, Đực được buộc ở ngoài, kiên nhẫn đợi chủ.
Có lẽ vì gắn bó với nhau như vậy nên Đực cũng biết ghen. Anh Thành nhắc lại chuyện hai vợ chồng anh nên duyên cách đây 6 năm. Hồi chị Thúy, vợ anh Thành mới về bị Đực… ghét vô cùng. Anh Thành cũng đoán là nó ghen bởi chú trâu này nổi tiếng hiền lành trong cả làng, ai cũng có thể vuốt ve.
Ấy vậy mà khi chị Thúy về làm vợ anh Thành, cứ lại gần Đực là nó thở phì phì dọa dẫm. Thế nhưng sau nhiều lần anh Thành “tâm sự” với Đực rồi hướng dẫn chị Thúy cho ăn, nựng nịu, chăm sóc thì nó cũng bớt hằm hè với chị hơn.
Thúy ra lệnh: “Gục xuống, liếc càng” là con vật làm ngay, hay “Cho xuống, cho lên” là nó gục đầu ngoan ngoãn như một con chó nhỏ. Bận đang đi kéo xe, thấy một ả trâu cái dáng màu mỡ đi qua, con Đực bỗng nhiên lên cơn động hớn. Miệng nó cứ “nghé ngọ, nghé ngọ” không ngớt. Chân nó khựng lại chẳng thèm đi.
Bực mình quá, Thành cho nó một que vào sừng rồi mắng: “Không được thế!”. Chẳng biết có phải là do bị đòn đau hay bị chủ mắng mà con vật ngoảnh đầu lại nhìn chủ, mắt đỏ hoe, rơm rớm nước. Thành bảo mỗi khi kéo xe nặng rồi bị mắng, Đực cũng thường đỏ mắt, khóc như vậy. Kể từ bận bị chủ mắng như thế, mỗi khi thấy trâu cái đi qua, Đực bước điềm nhiên như không hề có dục tính.
Kiếp xe trâu nghèo dù có sở hữu một con thuộc loại đầu bảng thì mỗi chuyến xe chỉ được 70.000 đồng, chờ cả ngày có khi cũng chẳng có khách. Chính vì thế thu nhập của vợ chồng anh Thành chỉ đôi ba triệu một tháng, luôn trong cảnh giật gấu, vá vai. Nhưng dù nghèo họ vẫn chăm sóc con vật với một thái độ gần gũi, tha thiết hiếm có.
Đực khá khảnh ăn. Củ sắn nó không thèm động mõm mà chỉ thích cám gạo loại ngon, thân ngô thật nõn rồi rắc lên trên đó tí muối cho mặn. Đủ loại rồi nhưng ít là nó cũng hất cả chậu đi. Biết tính nó thế nhưng Thành vẫn rất chiều chuộng. Hễ thấy mũi khô là anh biết nó đang ốm, phải chuẩn bị gọi thú y về tiêm, chuẩn bị những thức ăn tươi ngon nhất cho nó bồi bổ.
Cả thôn có 430 hộ nhưng chỉ có mỗi con trâu nhà anh Thành, hơn nữa nó lại khôn đến thành tinh thế nên nhiều người đến mượn. Đang đi xăm xăm với người lạ trên đường mà gặp chủ là nó dừng lại, đầu cúi xuống, tai vểnh ra, mắt ngó như muốn chào. Chỉ khi chủ nó gãi gãi vào lưng, nựng nịu: “Mày đi làm cho người này rồi chiều mày về với tao nhé” thì bốn cái chân như bốn thân luồng mới chịu động đậy.
Nguồn: Theo Công an nhân dân
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.