Kinh ngạc loài cầy có đặc tính giống con người

Cầy thảo nguyên, còn có một tên nữa là sóc đồng cỏ. Chúng có pháp danh khoa học là Cynomys. Cầy thảo nguyên thuộc họ hàng nhà sóc, là động vật có vú và có liên quan chặt chẽ đến sóc đất.

Chúng có mặt tại rất nhiều vùng sa mạc, thảo nguyên trên thế giới như phía nam Saskatchewan, Canada, vùng Tây Texas, New Mexico, Arizona, Montana, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Dakota…

Lông chúng có màu vàng nhạt tựa như loài chó nhà của Việt Nam, lông mặt và ngực có màu sáng hơn. Với thân hình dài, đôi tai nhỏ xíu, chiếc mõn ngắn, chân trước nhỏ, chúng thường thường xuyên co hai chân trước lại và đứng bằng hai chân sau như con người.

Cầy thảo nguyên thường sống trong những hố, hang tại những đồng cỏ khô. Chúng thường bảo vệ “ngôi nhà” của mình bằng rất nhiều rác rưởi và đó cũng là chỗ chúng “an tọa” và ngắm nhìn thế giới xung quanh. Mỗi khi “ngôi nhà” chứa ngập đồ ăn thừa, rác rưởi, cầy thảo nguyên sẽ đào cho mình một “ngôi nhà” mới.

Món ăn yêu thích của cầy thảo nguyên là các củ, quả và cỏ dại. Cũng có khi chúng ăn bọ cánh cứng và những loại côn trùng khác. Trọng lượng của cầy thảo nguyên thường thay đổi thay mùa, vào mùa thu lớp mỡ trên bề mặt da được tích dầy lên, giúp làm ấm cơ thể cho mùa đông sắp đến.

Cầy thảo nguyên thường sinh sản vào tháng 2 – 3 hàng năm. Mỗi năm chúng chỉ sinh nở một lứa và sau một tháng mang thai, con cái sẽ cho ra đời 3 – 4 con non. Tuy có bộ dạng hết sức đáng yêu, song cầy thảo nguyên lại vô cùng dữ dằn trong mùa sinh nở. Các mẹ cầy thường bỏ con mình tìm sang “nhà” khác để cắn chết con non của đồng loại. Chính vì vậy mà các bà mẹ cầy thường canh giữ “ngôi nhà” của mình rất cẩn mật để chống sự xâm nhập của kẻ thù.

Cầy thảo nguyên là loài vô cùng thông minh. Chúng sinh sống theo bầy đàn đông, thường lên tới hàng trăm con và chia thành các nhóm, đàn khác nhau. Hành vi của chúng chẳng khác gì con người.

Mỗi khi gặp mặt, chúng thường có cử chỉ chào hỏi xã giao bằng cách chạm mũi, áp đầu và va vào răng cửa của nhau. Điều đặc biệt, chúng là loài có thanh quản vô cùng phát triển, phong phú, phức tạp không khác gì con người. Chúng thường sử dụng nhiều âm, tiếng khác nhau để miêu tả cụ thể sự vật, sự việc trong mỗi hoàn cảnh khác nhau.

Trong các nghiên cứu gần đây, Tiến sĩ Con Slobodchikoff, người Mỹ, đã đưa ra một kết luận kinh ngạc rằng, chúng có khả năng mô tả như con người. Chúng đã dùng một chuỗi ngôn ngữ phức tạp để miêu tả tỉ mỉ hình dáng, béo, gầy, màu sắc áo, quần con người mà chúng nhìn thấy tới đồng loại.

Mặc dù chưa được nghiên cứu sâu, song các nhà khoa học Mỹ đều khẳng định rằng, cầy thảo nguyên là loài cực kỳ thông minh và… giống con người nhất!

 

Theo VTC