Hiến máu cứu người là một trong những hoạt động vô cùng ý nghĩa và là nghĩa cử cao đẹp. Cùng xem những kinh nghiệm bổ ích cho những bạn đi hiến máu lần đầu.
-
1
Điều kiện để được hiến máu
Điều kiện về sức khỏe đi hiến máu là vô cùng quan trọng. Nếu bạn thực sự khỏe mạnh, trước đây bạn không mắc bệnh nguy hiểm nào. Để được hiến máu, người hiến máu phải có tuổi từ 18 đến 60 với nam, 18 đến 55 với nữ. Cân nặng trên 45kg với nam và trên 43kg với nữ. Mạch và huyết áp đều bình thường, không cao quá cũng không thấp quá.
Với những phụ nữ đang mang thai, đang “đèn đỏ”, điều hòa kinh nguyệt, đang cho con bú, và người mới hiến máu cách đó dưới 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ thì không được hiến máu để bảo đảm sức khỏe cho mình.
-
2
Những việc nên làm trước ngày và hôm đi hiến máu
Để việc hiến máu được thành công bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
– Đêm hôm trước ngày hiến máu bạn nên đi ngủ sớm, tránh thức quá khuya, và không uống đồ uống có cồn như bia, rượu…
– Buổi sáng đi hiến máu, bạn lưu ý không bỏ bữa sáng. Bạn nên ăn nhẹ, tránh chất có nhiều đường, mỡ trước khi hiến máu.
– Đừng quên mang theo chứng minh thư nhân dân, hoặc giấy tờ tùy thân khi đi hiến máu.
– Trong khi hiến máu, nếu bạn thấy có hiện tượng đau tức khó chịu ở bên tay cho máu, hãy báo với nhân viên y tế để được hỗ trợ kịp thời tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của mình.
Hiến máu cứu người – một nghĩa cử cao đẹp
-
3
Ngay sau khi hiến máu
Sau khi hiến máu bạn nên lưu ý vấn đề sau:
– Nếu bạn cảm thấy chóng mặt, mệt, buồn nôn thì bạn nên nằm nghỉ 10 đến 15 phút với đầu nằm thấp, chân kê cao. Bạn chỉ nên rời điểm hiến máu khi thực sự thoải mái và được sự đồng ý của nhân viên y tế.
– Bạn nên uống nhiều nước sau khi hiến máu.
– Để miếng băng dính che vết chích sau ít nhất 4-6 giờ mới bỏ đi để tránh máu chưa được cầm có thể chảy ra ngoài.
– Nếu bạn phát hiện chảy máu tại chỗ hãy:
+ Giơ cao tay.
+ Lấy tay kia ấn nhẹ vào miếng bông hoặc băng dính để máu có thể cầm.
+ Thay miếng bông và băng dính khác nếu máu chưa được cầm.
-
4
Xử lý vết bầm tím tại chỗ chích máu
Ở chỗ chích máu nếu xuất hiện những vết bầm tím bạn cần lưu ý
– Hai ngày đầu sau hiến máu: chườm lạnh tại chỗ.
– Những ngày sau: Chườm nóng 2 – 4 lần/ ngày.
-
5
Những điều cần tránh sau khi đi hiến máu
Sau khi đi hiến máu bạn nên lưu ý vấn đề sau
– Tuyệt đối không uống rượu, bia trong ngày đầu sau khi đi hiến máu.
– Trong 2 đến 3 ngày đầu sau hiến máu, bạn nên tránh những hoạt động mạnh, các trò chơi mang tính đối kháng đòi hỏi tốn nhiều thể lực như đá bóng, tập tạ, leo trèo cao… không thức quá khuya và nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường.
-
6
Chế độ ăn, sinh hoạt sau khi hiến máu
– Bạn nên giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường để giúp hồi phục sức khỏe của mình.
– Tăng cường sử dụng các chất dinh dưỡng bổ máu: thịt, gan, trứng, sữa …để bù vào lượng máu đã bị mất.
– Dùng thêm các thuốc bổ máu nếu có thể.
Một hai ngày đầu sau hôm hiến máu, bạn có thể có hiện tượng buồn ngủ, bạn đừng lo vì đây là trạng thái tạm thời do sự lập lại cân bằng của cơ thể. Bạn chịu khó nghỉ ngơi, hiện tượng này sẽ nhanh chóng biến mất.
Lượng máu đã hiến sẽ được phục hồi nhanh sau 3 đến 5 ngày. Cơ thể sẽ sản sinh ra một lượng máu mới để bù đắp, do đó các thành phần trong máu được trẻ hóa, có sức đề kháng chống bệnh tật và tạo ra sự phấn chấn trong cơ thể, vì vậy nếu đủ điều kiện sức khỏe thì bạn đừng ngại đi hiến máu tình nguyện nhé. Hiến máu tình nguyện giúp cứu tính mạng người khác và làm cho cơ thể bạn khỏe mạnh hơn.