Các bạn trẻ thuộc Câu lạc bộ (CLB) Thiên văn trẻ nghiệp dư TP.HCM đã chế tạo thành công kính thiên văn tổ hợp, đường kính gương 235mm. Đây là kính thiên văn tự chế lớn nhất của giới thiên văn nghiệp dư Việt Nam.
Gần 50 bạn trẻ CLB Thiên văn trẻ nghiệp dư TP.HCM có buổi gặp mặt ngoại khóa tại công viên Gia Định TP.HCM vào tối 15/3. Đây là buổi sinh hoạt định kì (3 tháng một lần đi thực tế) của CLB.
“Khám phá bầu trời” qua kính thiên văn tự chế là đam mê của nhiều bạn trẻ TP.HCM (ảnh: V.Giang) |
Tại buổi giao lưu này, các bạn trẻ thuộc CLB đã giới thiệu kính thiên văn tổ hợp đường kính gương D=235mm là kính thiên văn tự chế tạo lớn nhất của giới thiên văn nghiệp dư Việt Nam hiện nay. Kính có hệ thống motor quay bám mục tiêu qua nhật động và có thể quan sát các đối tượng thiên văn qua màn hình máy vi tính với phương pháp thu ảnh qua webcam của CLB.
Nguyễn Anh Tuấn, trưởng nhóm CLB Thiên văn trẻ Nghiệp dư TP.HCM cho hay, kính thiên văn hiện nay nếu so về thông số độ lớn của gương thì để có cùng kích cỡ phải trên 2000 USD. Nhưng nhóm chỉ mất chưa tới 1 triệu đồng để chế tạo kính thiên văn này. Thời gian bỏ ra để hoàn thành mất 8 tháng. Trong quá trình chế tạo kính thiên văn này, khó nhất là vấn đề kỹ thuật vì Việt Nam chưa có ai làm cả. Các thành viên trong nhóm phải tự tìm tài liệu trên mạng rồi mày mò thực hiện. Rất may, hiện nay đã hoàn thành, hình ảnh kính thu được rất tốt.
Đây là kính thiên văn thứ 3 nhóm tự chế tạo, sau kính phản xạ Newton 100mm F 8,5 – kính thiên văn phản xạ đầu tiên do dân nghiệp dư Việt Nam chế tạo được và kính phản xạ Tycho 150mm F 8,5.
Các bạn trẻ yêu thiên văn có thể thực tập quan sát với kính thiên văn này qua các hướng dẫn của nhóm kỹ thuật của CLB.
Cũng trong ngày 15/3, các bạn trẻ “ghiền” thiên văn đã tham gia giao lưu xoay quanh những kiến thức về vật lý, thiên văn học với GS.TS Trịnh Xuân Thuận, dịch giả Phạm Văn Thiều, là những người có nhiều tác phẩm về thiên văn được biết đến ở Việt Nam. (Nhà vật lý Thiên văn Trịnh Xuân Thuận hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại các
Giao lưu với nhà thiên văn Trịnh Xuân Thuận và dịch giả Phạm Văn Thiều (ảnh: Kim Toàn) |
trường Đại học ở Pháp và Mỹ, công việc nghiên cứu chính hiện nay là: Tìm hiểu sự hình thành của các thiên hà).
Các bạn trẻ “gặp” GS.TS Trịnh Xuân Thuận qua cách giao lưu, voice chat trực tiếp qua màn hình. Dịch giả Phạm Văn Thiều tham gia giao lưu, trực tiếp với khán giả Việt Nam tại khán phòng giao lưu, tại hội sách TP.HCM lần V, công viên Lê Văn Tám.
Tác giả Trịnh Xuân Thuận được biết với tác phẩm “Những con đường ánh sáng“, cuốn sách đã được Viện hàn lâm Pháp quyết định trao tặng giải thưởng lớn Moron 2007. Giải thưởng lớn Moron , tương đương với giải thưởng Pulitzer của Mỹ hay giải thưởng sách quốc gia. Ngoài ra, ông còn có các tác phẩm tiêu biểu: Giai điệu bí ẩn – và con người đã tạo ra vũ trụ, Phạm Văn Thiều dịch, Hỗn độn và hài hòa, Phạm Văn Thiều và Nguyễn Thanh Dương dịch, Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Từ Big Bang đến Giác Ngộ), Phạm Văn Thiều – Ngô Vũ biên dịch…
Còn dịch giả Phạm Văn Thiều – Chánh văn phòng Hội Vật lý Việt Nam – Phó Tổng biên tập Tạp chí Vật lý và Tuổi Trẻ là người đảm trách việc dịch các tác phẩm của Giáo sư Trịnh Xuân Thuận.
V. Giang – Kim Toàn
Theo Vietnamnet