Ca bệnh đầu tiên bị rắn cắn mà ông đã cứu được bằng viên đá là vào những năm 1960. Đến nay đã hơn 50 năm, gia đình ông vẫn cùng viên đá đã cứu hàng nghìn người bị rắn cắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Không đòi hỏi công xá, không bằng khen, không chứng nhận, 2 hai anh em ông vẫn âm thầm, lặng lẽ làm công việc cứu người và tự cho rằng đó là sứ mệnh mà người đi trước đã giao phó.
Kỳ lạ ngọc rắn
Chúng tôi tìm đến nhà anh em ông Vũ Văn Vần – Vũ Văn Khản (thôn Dương Cước, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) vào một ngày đầu năm mới. Cách thành phố Thái Bình 20km, làng Dương Cước nằm giữa một cánh đồng lúa mênh mông, bát ngát. Đường vào thôn cũng chỉ có một con đường độc đạo. Hỏi về nhà ông Khản chữa rắn cắn từ già đến trẻ ai cũng biết. Ngôi nhà ngói 3 gian với sân vườn, ao cá đặc thù của vùng đồng bằng Bắc bộ. Ngày Tết, các con ông làm ăn ở những nơi xa cũng về hết. Thấy khách lạ tìm đến nhà, các con ông vội vã chạy ra: Người nhà chị bị rắn cắn à? Chả là nhà ông quanh năm có người lạ đến nhà, bất kể ngày đêm, mà đa phần là người bị rắn cắn.
Ông Vần và ông Khản là 2 anh em ruột, đều đã ngoài 70 tuổi. Trước đây ông Vần sở hữu viên đá. Nhưng thời gian gần đây, ông không ở nhà thường xuyên nên đã giao lại viên đá cho em ông là ông Khản. Cầm viên đá chỉ bằng bao diêm trên tay, mà mọi người đã đặt tên là ngọc rắn, ông Khản kể lại: Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông ngoại ông nuôi giấu cán bộ cách mạng, một người quê Thanh Hóa, một người quê Ninh Bình. Đến khi chia tay, họ đã trao lại viên đá cho ông tôi và nói không biết lấy gì cảm ơn, chỉ có viên đá này là quý nhất, đây là viên đá cứu người. Không ngờ sau lần chia tay ấy, đi đến Nam Định, họ bị giặc càn và một người đã hy sinh, một người quê ở Ninh Bình đã qua đời năm 2009. Kể từ đó, viên đá được cất giữ cẩn thận và truyền từ đời này sang đời khác làm công việc cứu người đúng như ý nguyện chủ nhân của nó.
Viên ngọc rắn thực chất chỉ là một viên đá màu đen bằng kim loại, 2 mặt đều có hình chữ U. Kích thước của viên đá chỉ khoảng 2,2-2,2cm, dày chừng 1cm, nặng khoảng 30gram. Tuy nhiên nó đã cứu sống được hàng nghìn mạng người. Nói về số người bị rắn cắn đến đây được cứu chữa, ông Khản không nhớ nổi vì nhiều lắm. Đã 50 năm qua nó làm công việc cứu người. Bất kỳ ai bị rắn cắn tìm đến, ông đều mang viên đá ra. Điều kỳ lạ là mỗi khi được đặt vào vết rắn cắn, bỗng dưng như xuất hiện một lực hút mạnh đến nỗi viên đá lập tức bị hút chặt vào chỗ đó mà không cần tay người giữ. Khi hút hết nọc độc rắn, nó tự nhả ra và lúc đó có ấn viên đá vào nó cũng tự rơi ra.
Chuyện ông thần y với viên đá chữa được rắn cắn đã lan truyền từ nơi này sang nơi khác. Không chỉ người làng mà nhiều người trong vùng lân cận đến các tỉnh Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Nam Định… khi bị rắn cắn cũng tìm đến nhờ cậy anh em ông.
Ông Khản cũng cho biết khi bệnh nhân đến, theo kinh nghiệm chỉ cần nhìn vết răng cắn là ông biết bị loại rắn nào cắn. Nếu là một chùm răng thì không độc, nhưng nếu chỉ có 2 vết răng nanh thì chắc chắn là rắn độc. Nếu là hổ mang cắn thì rất buốt, còn rắn cạp nia cắn thì chỉ đau nhẹ. Phải dựa vào đó để chữa trị cho hiệu quả. Nếu bị rắn độc cắn vài tiếng sau mới được đưa đến thì cả ông và viên đá đều vô cùng khó nhọc. Bình thường chỉ cần đặt viên đá tầm 30 phút là tự nó nhả ra. Nhưng trong trường hợp chất độc đã lan đi khắp cơ thể thì viên đá phải hút đến 2 tiếng đồng hồ. Và kỳ lạ là hút đến đâu người bệnh biết đến đó. Cảm giác như chất độc từ khắp cơ thể được thu dần về viên đá.
Kỳ lạ và quý nhưng viên ngọc rắn này cũng “khó tính” và cần được chăm sóc cầu kỳ. Sau mỗi lần hút nọc cứu người, ông Khản phải đi khắp làng tìm có người phụ nữ nào đang thời kỳ nuôi con bú để xin sữa. Chỉ cần được ngâm trong chén sữa, ngay lập tức viên đá nhả ra những vệt váng màu vàng nổi lềnh bềnh trên chén sữa. Tùy từng loại nọc rắn khi hút mà viên đã sẽ nhả ra những vệt váng có màu khác nhau. Nếu là nọc rắn hổ mang, rắn cạp nong thì váng nổi lên có màu vàng, rắn cạp nia thì ra váng đen… Tất cả đều có mùi tanh. Nhiều khi trong làng không có ai nuôi con nhỏ, ông phải đạp xe đến những xã khác để xin bằng được chén sữa.
Không chỉ lạ vì biết hút nọc từ cơ thể người và nhả độc ra cốc sữa, mà viên đá kỳ lạ này còn khiến người ta không thế lý giải nổi khi “ăn” cả ruột gạo nếp. “Ông ngoại tôi thuở trước từng dặn rằng phải cất viên đá vào trong túi có chứa gạo nếp, mà phải loại gạo nếp sữa loại 1, sạch sẽ. Nhưng không hiểu sao, cứ sau một thời gian để viên đá vào trong túi gạo nếp thì những hạt đó bỗng bị rỗng hết ruột nên phải thay liên tục. Trong khi cũng loại gạo đó mà để trong thùng ăn dần thì còn nguyên vẹn, không hề hấn gì”, ông Khản kể.
Những nhân chứng sống
Để gặp nhân chứng sống, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà ông Phạm Ngọc Lừng, người đã bán hàng ở đầu làng Dương Cước hơn 30 năm. Ông Lừng cũng kể rằng vào một buổi chiều, đang thiu thiu ngủ thì ông bị một nhát cắn chí tử vào bắp chân. Khi hoàn hồn ông mới biết mình bị rắn hổ mang cắn. Ga rô cẩn thận, ông nhờ hàng xóm đưa đến nhà ông Vần. Chỉ sau một tiếng, viên đá hút hết nọc rắn trong người ông. Hút xong ông thấy người nhẹ nhõm hẳn. Kể từ đó đến nay ông ăn ngủ bình thường, hoàn toàn khỏe mạnh.
Hay gia đình nhà chị Vũ Thị Hát có đến 3 người bị rắn cắn và đều được ngọc rắn cứu. Anh Khẩu, chồng chị và con trai bị rắn độc cắn nhưng đến nhà ông Vần sớm nên việc chữa trị đơn giản. Còn chị Hát bị rắn mái gầm (cặp nong) – loại rắn cực độc cắn nhưng không garô kịp thời. Khi đến nhà ông Vần cũng là lúc người chị tím tái. Việc hút nọc độc phải thực hiện 3 lần, mỗi lần 3 tiếng, chị Hát mới qua cơn nguy kịch. Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Báu, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cũng được viên đá cứu sống sau khi bị rắn độc cắn. Nhất là những tay buôn rắn thường xuyên tiếp xúc với rắn, bị rắn cắn đều tìm đến nhà ông nhờ viên đá hút nọc rắn. Chị Nguyễn Thị Ngấn, y tá tại Trạm y tế xã Hồng Thái cũng cho biết: Người bị rắn độc cắn đến trạm, chúng tôi sơ cứu, về nguyên tắc phải chuyển lên tuyến trên nhưng do bệnh viện huyện cách xã gần 10km nên nhiều khi chúng tôi “giới thiệu” bệnh nhân xuống nhà ông Vần nhờ chữa trị và tất cả đều khỏi bệnh.
Bệnh nhân mà ông Khản nhớ nhất là cháu bé tên Mai (ở Quỳnh Côi, Thái Bình). Ngày đó, cháu Mai được đưa đến trong tình trạng vết thương đã quá lâu do gia đình không biết cháu bị rắn độc cắn, ông phải đặt ngọc rắn rất nhiều lần, tưởng như không cứu nổi, vậy mà sau một tuần, cháu Mai đã tỉnh táo trong sự vui mừng của bố mẹ cháu và những người thân thích. Hoặc chị Nguyễn Thị Quỳnh, bị rắn độc cắn khi đang mang thai. Nhờ viên đá mà cả hai mẹ con đều được cứu sống. Trong xã Dương Cốc, bây giờ ông là người có nhiều con nhất. Không phải do vợ chồng ông sinh nhiều mà có điều này là do có rất nhiều bệnh nhân bị rắn cắn tưởng chừng không qua khỏi, được ông điều trị nên đã đến xin để được làm con nuôi. Bà con trong vùng quên tên ông, họ gọi ông là “Thần y” trị rắn cứu người.
Tiền tỷ cũng không bán
Nhà ông Vần và ông Khản đều làm ruộng và làm thêm nghề phụ xây dựng nên gia cảnh khá khó khăn. Việc cứu người bị rắn cắn mấy chục năm qua nhà ông làm để làm phúc là chính, không đòi hỏi công xá. Thêm vào đó, người bị rắn cắn thường vào xảy ra vào đêm nên đã nhiều năm qua ông quen với việc đang ngủ có người gõ cửa gọi cứu người. Ông Khản chia sẻ: nếu cứu người để lấy tiền thì nhà tôi đã giàu to, chẳng nghèo như thế này. Cũng đã có nhiều người trả tiền tỷ để mua viên đá nhưng tôi chưa bán.
Biết được viên đá có những nhiệm màu, nhiều người giàu có đã mang xe máy trị giá trên 40 triệu đến gạ đổi lấy viên đá, có người là chủ hiệu thuốc lớn trên thành phố Thái Bình còn mang cả chục cây vàng đến nhà ông Vần để được là chủ của viên đá nhưng ông không đổi. Nhưng những phiền toái từ viên đá mang lại cũng không ít. Đã nhiều lần nhà ông bị trộm cậy cửa. Có lần không tìm được viên đá, chúng đã lấy đi của gia đình cả ti vi, đầu VCD. Với sức mạnh thần bí từ viên đá, có thể thấy công dụng chữa rắn cắn cực kỳ hiệu quả. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa một công trình khoa học nào nghiên cứu về viên đá này, cũng không ai lý giải được vì sao viên đá có “sức mạnh” ghê gớm đến vậy. Chỉ biết rằng, khả năng hút nọc độc rắn cứu người của viên đá đã được hơn một nghìn nạn nhân, gia đình họ, gia đình ông Khảm và những người dân thôn Dương Cốc kiểm chứng.
Theo ANTĐ