Lãi suất lập kỷ lục mới
Từ tháng 1/2016, một số ngân hàng âm thầm tăng lãi suất, khơi mào cho một cuộc đua lãi suất. Tới cuối tháng 3, cuộc đua lãi suất trong hệ thống ngân hàng vẫn nóng lên từng ngày khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm vọt lên kỷ lục mới 8,4%/năm.
Từ ngày 17/3, mức lãi suất “khủng” 8,4%/năm được ngân hàng thương mại cổ phần Tiên phong (TPBank) áp dụng ở kỳ hạn 36 tháng. Thấp hơn một chút, lãi suất 8%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng. Trước đó, hồi đầu tháng 3, lãi suất cao nhất tại TPBank chưa tới 8%/năm.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) ghi tên mình trong nhóm các ngân hàng có lãi suất hấp dẫn nhất. Hiện tại, OCB áp dụng mức lãi 8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Hồi cuối tháng 2 năm nay, lãi suất cao nhất tại OCB chỉ là 7,5%/năm.
Hồi đầu tháng 3, lãi suất cao nhất tại ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (Seabank) cũng là 8%/năm. Kỳ hạn áp dụng là 13 tháng. Tuy nhiên, Seabank không công bố công khai các tiêu chí áp dụng cho mức lãi suất này. Muốn biết, khách hàng phải liên hệ trực tiếp với ngân hàng. Với khách hàng bình thương, SeaBank áp dụng lãi suất cao nhất chỉ là 6,95% cho kỳ hạn 36 tháng.
Tới nay, mức lãi suất cao nhất 6,95% cho kỳ hạn 36 tháng vẫn được duy trì nhưng mức lãi áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng không được công khai. Vì vậy, không rõ Seabank tăng hay giảm lãi suất “đặc biệt” của mình.
Từ 9/3, ngân hàng thương mại cổ phần Bảo Việt (BaoViet Bank) có biểu lãi suất mới. Lãi suất 7,6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Tại PVcomBank, lãi suất 7,6%/năm ứng với 4 kỳ hạn dài 24 tháng, 26 tháng, 48 tháng và 60 tháng.
Tại ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), kể từ 22/3, khách hàng gửi tiết kiệm có cơ hội nhận lãi suất 7,55% cho kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng nhận cơ hội này vì khoản tiền gửi được yêu cầu phải trên 500 tỷ đồng.
Từ 21/3, ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) mức lãi suất cao nhất là 7,5%/năm áp dụng cho 4 kỳ hạn dài. Còn tại ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, khách gửi hàng tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng sẽ được nhận lãi 7,2%/năm.
Một vài ngân hàng giảm lãi suất
Trong khi đa số các ngân hàng đều đua tăng lãi suất, hai đơn vị hiếm hoi là ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) lại đi theo hướng ngược lại.
Có thể thấy VPBank là một trong những ngân hàng đầu tiên tham gia cuộc đua lãi suất và có tăng trưởng tín dụng “nóng”. Nhưng trong 1 tháng trở lại đây, sức nóng đã hạ nhiệt tại VPBank. Từ 29/3, lãi suất cao nhất ở VPBank chỉ là 7,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng với số tiền gửi phải từ 5 tỷ trở lên.
Trước đây, nếu gửi tiết kiệm online, doanh nghiệp vừa và nhỏ được nhận mức lãi suất cao 8,2%/năm. Với khoản tiền gửi này, VPBank không áp giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, hiện tại, lãi suất cao nhất chỉ là 8%/năm ở kỳ hạn 36 tháng.
Từ 24/2, Eximbank áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, mức lãi cao nhất 8%/năm nhưng chỉ áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng và có số tiền gửi trên 10 tỷ đồng. Còn với khách thông thường, mức ưu đãi cao nhất chỉ là 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.
Tuy nhiên, kể từ 19/3, lãi suất cao nhất tại Eximbank giảm xuống còn 7,9%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 35 tháng và khoản tiền từ 10 tỷ trở lên. Còn với khách hàng thông thương, mức cao nhất chỉ là 6,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Một vài ngân hàng không có động thái tham gia cuộc chạy đua lãi suất. KienLong Bank lãi cao nhất vẫn là 7,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. NamaBank áp dụng lãi suất 7,2%/năm kể từ 15/1/2016. HDBank vẫn duy trì lãi suất 7,2%/năm.
Trong khi đó, các “ông lớn” ngân hàng vẫn duy trì chính sách lãi suất thấp. Lãi suất cao nhất tại Vietcombank là 6,5%/năm, tại BIDV là 7,2%/năm, tại Vietinbank là 7%/năm
Nguồn: Theo VTC
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.