Bà Phạm Thị Nguyên, 65 tuổi, bị khuyết tật từ nhỏ, quê ở thôn Quần Mục 3, xã Đại Hợp. Tuy nhiên, bà đã cắt khẩu khi chuyển ra sinh sống ở tổ dân phố 17, thị trấn Cát Bà, huyện đảo Cát Hải từ năm 1997 cho đến nay.
Bà Nguyên mặc áo đen đứng bên phải chụp ảnh kỷ niệm cùng người thân. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Do sống xa quê nên bà Nguyên không hề hay biết có một tờ giấy chứng tử bản sao mang tên mình được lập tại xã Đại Hợp vào cuối tháng 11/2014 với lý do ốm chết. Trên tờ giấy này có ghi rõ người thực hiện là ông Hoàng Văn Đông, cán bộ tư pháp xã Đại Hợp và Chủ tịch UBND xã Phạm Thị Thúy ký và đóng dấu.
Đến cuối tháng 5/2015, một vài người dân hỏi thăm người thân bà Nguyên về “tin buồn” này thì bà mới tá hỏa biết mình bị…khai tử. Đến hỏi UBND xã Đại Hợp, bà được biết giấy chứng tử mang tên bà là có thật. Bất ngờ hơn, bà còn có cả hồ sơ hưởng chế độ bảo trợ người tàn tật từ năm 2006 mà không hề hay biết.
Cảm thấy bị xúc phạm, bà đã viết đơn kiến nghị lên lãnh đạo chính quyền xã, huyện, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, cũng chưa ai gửi tới bà lời xin lỗi.
“Khi tôi gửi đơn có một người trong UBND xã Đại Hợp ra tận chỗ tôi ở nói là để qua Đại hội Đảng bộ xã sẽ giải quyết, nhưng họ lờ đi. Nếu bây giờ tôi quay trở về xã Đại Hợp ở thì sẽ ra sao đây?”, bà Nguyên bức xúc.
Trao đổi với Zing.vn, bà Phạm Thị Thúy, Chủ tịch UBND xã Đại Hợp thừa nhận đã ký vào giấy chứng tử “lạ đời” này và lý giải do sơ suất khi tin tưởng cán bộ chuyên môn “đưa lên là ký, không kiểm tra cẩn thận”.
Trong khi đó, nhìn nét chữ trên tờ giấy chứng tử, ông Hoàng Văn Đông khẳng định đây không phải là chữ của mình. Ông cho biết, khác với bản chính, giấy chứng tử bản sao có thể lên mạng tải về rồi điền thông tin. Không thấy bản lưu nào khi kiểm tra sổ lưu trữ giấy chứng tử của xã Đại Hợp, ông Đông khẳng định giấy chứng tử mang tên bà Nguyên là có người giả mạo.
Giấy chứng tử mang tên bà Nguyên có nằm trong hồ sơ trợ cấp xã hội lưu trữ tại Phòng LĐ-TB-XH huyện Kiến Thụy. Năm 2013, bà Nguyên được hưởng mức trợ cấp mỗi tháng là 360.000 đồng vì người khuyết tật nặng và cao tuổi. Số tiền này đã được chi trả đều đặn cho tới khi bà Nguyên “chết” vào cuối tháng 11/2014.
Giấy chứng tử mang tên bà Nguyên. Ảnh: Phương Chi.
Tuy nhiên, bà Nguyên khẳng định, bà chưa bao giờ được hưởng trợ cấp gì từ xã Đại Hợp. Đồng thời, bà cho rằng “đã có ai đó khai man” để trục lợi. Những người thân có “chữ ký” hồ sơ xét hưởng trợ cấp xã hội của bà Nguyên đều khẳng định không hề hay biết.
Nhớ lại quãng thời gian trước đó, bà Nguyên cho biết. một lần ông Phạm Bình Thủy, nguyên Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Đại Hợp có lần đến gặp và nói sẽ làm bảo hiểm nhân thọ hỗ trợ bà nhưng từ đó đến nay không thấy gì.
Theo bà Hoàng Thị Tuyết, cán bộ chính sách xã hội xã Đại Hợp, ông Phạm Bình Thủy là người ký và nhận tiền trợ cấp hàng tháng. Lý do ông Thủy đưa ra khi nhận tiền là “bà Nguyên ốm đau và nhờ nhận hộ”.
Bà Tuyết cũng cho biết ông Thủy là người đã làm giấy chứng tử mang tên bà Nguyên để làm thủ tục cắt trợ cấp xã hội cho bà này. Bà Tuyết nói: “Khi tôi hỏi, có làm thủ tục mai táng phí cho bà Nguyên không? Ông Thủy nói không cần làm, chỉ cần gửi hồ sơ cắt trợ cấp xã hội cho bà Nguyên là được”.
Trả lời về việc này, ông Phạm Bình Thủy cho biết: “Tôi không nhớ gì về trường hợp này cả”.
Nguồn: Theo Zing
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.