Dùng giống lúa hè thu ngắn ngày, xây các hồ chứa nước theo hướng đi của gió Lào… theo các nhà khoa học là phương pháp tốt để làm mát cơn nắng nóng ở miền Trung.
Đây là kết quả nghiên cứu bền bỉ nhiều năm của Trung tâm vật liệu và môi trường khắc nghiệt (HIMTECH – Viện Cơ học). PGS.TS Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Trung tâm cho biết, nghiên cứu còn đề xuất nhiều biện pháp cụ thể để tận dụng nguồn năng lượng của gió Lào, phát triển các điểm du lịch ở Nghệ An và nước bạn Lào.
Giảm nhiệt bằng lúa ngắn ngày
Mở đường vào điểm du lịch Mường Lống. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Đề tài nghiên cứu làm mát gió Lào đã được các nhà khoa học HIMTECH triển khai từ năm 1992. Nói về bản chất gây khô nóng của gió Lào, PGS.TS Cường cho biết, gió Lào thực chất là gió Tây Nam. Khi gặp vật cản có độ cao, gió Tây Nam sẽ trút hết độ ẩm bên Lào, khi sang Việt Nam lại tăng nhiệt độ do đi qua vùng đồi trọc, núi đá. Gió Lào thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 9, cao điểm vào tháng 7. Nhiệt độ phổ biến ở mức 37 đến 38 độ C, có thời điểm lên đến 42 độ C. Những trận gió này làm khí hậu mùa hè ở Bắc Trung Bộ trở nên khắc nghiệt.
Theo PGS.TS Cường, biện pháp làm hồ và biện pháp trồng cây là cần thiết nhưng nếu chỉ từng biện pháp độc lập thì hiệu quả không rõ rệt. Trên cơ sở những nghiên cứu của thế giới về hiệu quả hấp thu nhiệt qua ba tầng lá và đặc biệt là hiệu quả của lúa hè thu (có thời gian sinh trưởng trùng với thời gian gió Lào từ tháng 4 đến tháng 9), các nhà khoa học của Trung tâm đã chọn biện pháp đột phá là phát triển mạnh diện tích trồng lúa hè thu ngắn ngày (từ 90 đến 105 ngày) vừa tăng độ ẩm, vừa hấp thụ nhiệt trong những ngày gió Lào.
Hiệu quả sẽ cao nhất khi lúa hè thu trưởng thành có ba lớp lá, có khả năng hấp thụ trên 90% năng lượng mặt trời trong những ngày gió Lào. Tăng dần độ ẩm cũng đồng nghĩa với việc khí hậu bớt khô nóng, khắc nghiệt. Với việc phát triển gần 56.000 ha lúa nên số ngày có gió Lào đã giảm 2/3 (từ 30 ngày xuống còn 10 ngày).
Tạo điểm nghỉ mát trên “sa mạc”
Cùng với biện pháp trồng lúa hè thu, PGS.TS Cường và nhóm nghiên cứu còn đề xuất biện pháp tăng diện tích mặt nước, rừng cây, sử dụng pin mặt trời để hấp thu nhiệt.
Cũng từ đề xuất của HIMTECH, từ năm 2005 đến nay, tỉnh Nghệ An tiến hành khảo sát, xây dựng gần 40 hồ chứa nước các loại. Đồng thời phê duyệt hai dự án ứng dụng công nghệ giảm thiểu gió Lào ở cửa khẩu Thanh Thủy ( huyện Thanh Chương) và Mường Lống (huyện Kỳ Sơn).
Theo PGS.TS Cường, Thanh Thủy có độ cao gần 1.000m, khí hậu ôn hòa. Khi xây dựng khoảng năm hồ chứa nước dọc theo sông Rộ theo hướng đi của gió Lào sẽ làm cho những cơn gió đi qua địa phận này đưa hơi nước qua các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và TP. Vinh. Bên cạnh đó, các hồ làm từ cao xuống thấp nên có thể làm thủy điện và hồ chứa cho nông nghiệp.
Còn Mường Lồng cũng có độ cao hơn 1.700m có không khí và nguồn nước tốt, rất thích hợp làm khu di lịch. Hiện tỉnh đã hoàn thành gần 200km đường lên các vùng du lịch.
“Dự án du lịch ở Thanh Thủy, Mường Lồng không chỉ giúp phát triển kinh tế các địa phương này mà còn làm thay đổi khí hậu của cả tỉnh Nghệ An”, PGS. TS Cường nhấn mạnh.
Cũng trong thời gian tới, HIMTEC sẽ phối hợp với chính quyền Nghệ An và chính quyền tỉnh Bôlykhămxay (Lào) xây dựng khoảng 10 hồ chứa nước, tăng diện tích rừng, tạo điểm du lịch cho các vùng lân cận của Lào. Đây là biện pháp nhằm giảm thiểu gió Lào ngay trên nước Lào và giúp nước bạn Lào phát triển du lịch.
Theo Báo Đất Việt