Các chất thải rắn trong y tế như băng, gạc, kim tiêm, bệnh phẩm… là những chất rất khó phân huỷ và thường gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường của người dân sinh sống gần các khu vực có bệnh viện. Tuy nhiên, với phương pháp sử dụng lò đốt chất thải rắn y tế, tình trạng này đã được giải quyết dứt điểm.
Nếu như trước đây, các chất thải này chỉ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp thông thường, thì đến nay, hơn 20 tỉnh, thành trong cả nước đã được được Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) tiến hành lắp đặt và đưa vào sử dụng lò đốt theo công nghệ xử lý rác thải của Nhật Bản. Công nghệ lò đốt chất thải rắn y tế hiệu Chuwa với Model F-1S có các tiêu chuẩn đáp ứng TCVN 7380-2004 về lò đốt chất thải rắn y tế.
Xử lý triệt để Dioxin
Cấu tạo của lò đốt gồm hai buồng đốt sơ cấp và thứ cấp. Buồng đốt sơ cấp thiết kế trên nguyên lý thổi gió bắt buộc, hình thành luồng khí xoáy trong lò, nên luôn duy trì lượng ôxy lớn và chống phát sinh khói đen.
Buồng đốt thứ cấp có gắn thiết bị đốt giúp nhiệt độ duy trì ổn định trên 8.00 độ C đảm bảo tiêu huỷ mầm bệnh và đủ phân huỷ Dioxin.
Buồng đốt được chia thành ba lớp, lớp ngoài cùng là lớp cách nhiệt. Bao bọc xung quanh là một lớp nước có tác dụng làm giảm độ nóng của buồng đốt, giúp buồng đốt có tuổi thọ dài hơn.
Vận hành lò đốt rác thải tại bệnh viện Lao và Phổi tỉnh Nam Định. Ảnh: Quỳnh Anh
Bao quanh vùng đốt được thiết kế có vô số các lỗ nhỏ để cung cấp không khí, chính nhờ tác dụng của không khí mà rác thải đốt cháy lần 1 sẽ được đốt cháy lần 2.
Sàn lò có thiết kế hệ thống dẫn khí để tránh tình trạng đốt om, nâng cao công suất tối thiều, tro hoá hoàn toàn. Trong quá trình đốt không cần đảo, hạn chế tro bay.
Lò đốt được lắp kèm theo hệ thống phụ trợ, duy trì áp suất thấp tại cửa đổ rác vào, tránh ngọn lửa, khói bị dội ngược. Nhiên liệu sử dụng làm chất đốt là dầu thô, trung bình cần 0,2kg dầu/kg rác. Công suất của lò đạt 25-30kg/giờ có thể hoạt động liên tục 15 giờ/ngày.
Phù hợp với các bệnh viện tuyến huyện
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, một trong những đơn vị đã được lắp đặt hệ thống lò đốt chất thải rắn y tế, cho biết: Khi chưa có lò đốt, rác thải y tế tại bệnh viện đều được tiêu huỷ bằng phương pháp thủ công chôn lấp hoặc tẩm dầu lên đốt là chính. Phương pháp này tốn rất nhiều công lao động và đặc biệt gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây lan những bệnh truyền nhiễm rất cao. “Nhưng từ khi được lắp đặt, lò đốt xử lý rác thải F-1S đã đáp ứng được nhu cầu về xử lý rác thải ngay trong ngày của bệnh viện”, ông Hạnh cho hay.
Chị Phạm Thị Lý, Tổ trưởng tổ chống nhiễm khuẩn Bệnh viện đa khoa Đông Hưng, chia sẻ: “Từ khi được lắp đặt lò đốt, công tác xử lý rác thải y tế tại bệnh viện được rút ngắn đi rất nhiều, tiết kiệm được nhân công, khói thải ra của hệ thống không thấy màu khí ngoài trời, không gây ô nhiễm môi trường”.
Theo đánh giá, việc ứng dụng hệ thống lò đốt chất thải rắn y tế theo công nghệ tiên tiến nhất của Nhật Bản đã giải quyết được dứt điểm nguồn rác thải y tế gây nguy hiểm tới sức khoẻ con người.
Lò đốt hiệu Chuwa cũng được đánh giá là phù hợp với các bệnh viện tuyến huyện. Hiện công ty tiến bộ Quốc tế AIC chịu trách nhiệm lắp đặt và chuyển giao công nghệ lò đốt rác thải y tế này với chi phí khoảng 700 triệu đồng/lò.
Theo Báo Đất Việt