Đừng đi vào “vết xe đổ”
Hạnh Nhu (34 tuổi) trở thành hàng xóm của tôi đúng vào ngày cô dắt díu con gái 5 tuổi dọn ra khỏi tổ ấm đã trở nên lạnh của mình ngay sau khi kết thúc phiên tòa ly hôn cách đây 2 năm. Cuộc sống của một người mẹ đơn thân khá tất bật và chật vật. Đều đặn mỗi ngày, người ta thấy cô vội vã đưa con đến trường rồi đi làm, cũng như tranh thủ xong việc sớm cho kịp giờ rước con. Cô rất hiếm khi ra ngoài một khi đã trở về nhà.
Người mẹ đơn thân muốn xây dựng “tập 2” nhưng lắm nỗi truân chuyên
Nhưng nửa năm sau, hàng xóm bỗng dưng thấy cô ra khỏi nhà vào mỗi tối cuối tuần. Mọi người đoán già đoán non rằng cô ắt hẳn là đang yêu. Trong một lần tán gẫu, cô thú thật là mình đang quen một người đàn ông đồng cảnh ngộ ly dị. Cô chính thức công khai mối quan hệ tình cảm của mình và bước thêm bước nữa chỉ vỏn vẹn trong vòng 5 tháng.
Bẵng đi một thời gian, tôi mới tình cờ gặp lại cô cùng một thiên thần nhỏ đang say giấc nồng trên chiếc xe nôi. Những tưởng, cô đã tìm được hạnh phúc viên mãn như nụ cười chào tạm biệt tôi nhìn thấy nơi cô. Thế nhưng thấp thoáng trong ánh mắt, trên nét mặt cô là sự buồn bã, mệt mỏi. Cô không giấu được tâm tư về sự thất vọng trước những kỳ vọng ở “tập 2” này. Người chồng sau của cô ngày ngày phải “cày” cật lực để đảm bảo tài chính cho tổ ấm mới với những đứa con chung riêng. Trong khi đó, cô dù đang ở cữ nhưng cũng không kém phần lo toan cùng nỗi cô đơn ngày một lớn.
Hạnh Nhu đã không có được những gì cô thật sự mong muốn ở cuộc tái hôn, đó là một chỗ dựa tài chính. Cô vô tình quên rằng hôn nhân phải đến từ cảm xúc, tình yêu chân thành. Khi còn nặng gánh với cuộc hôn nhân thất bại, con cái và các vấn đề tài chính, việc “phải lòng” ai đó chưa đủ lý do để bạn tái hôn và sống hạnh phúc.
Bạn tái hôn vì lẽ…?
Thực tế là có những lý do đúng đắn và sai lầm dẫn đến sự thành công hay thất bại khi bạn tái hôn. Nếu chọn đúng, bạn ắt có “tập 2” viên mãn. Ngược lại, bạn sẽ tiếp tục bước vào “vết xe đổ” của đời mình nếu kết hôn lần nữa với lý do sai lầm.
Bạn “phải lòng” người ấy: Không thể phủ nhận, tình yêu chính là sợi dây kết nối bạn ở bên lâu dài với người ấy. Tuy nhiên, tình yêu đó phải được kiểm chứng, qua thử thách bởi thời gian, theo những thăng trầm cuộc sống. Hãy căn cứ vào đó trước khi “đặt cược” phần đời còn lại của bạn. Đừng vội vàng khẳng định tình cảm của bạn bởi những lời đường mật, ong bướm êm tai, những nhịp tim lỗi trong phút chốc…
Bạn nên suy nghĩ kỹ khi muốn bước thêm bước nữa
Bạn “muốn” chứ không phải bạn “cần”: Một khi bạn đã hoàn toàn bình phục sau cuộc ly hôn, nếu nghĩ về tái hôn như một việc cần phải làm thì đó sẽ là điều bạn muốn làm. Khi bạn sống vui tươi, độc lập và làm chủ cuộc đời mình, bạn sẽ có thể có được hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi với người mình yêu.
Bạn có thể cho và nhận: Đó là lúc bạn có thể chăm sóc không chỉ cho mình mà cả cho những người khác. Bạn nhận thức được rằng hôn nhân là cho và nhận, sẵn sàng đáp ứng bất cứ điều gì được gọi là “cho” đích thực. Và ngược lại, bạn cũng đánh giá cao những gì người khác dành trao cho bạn.
Không đơn thuần là sự ham muốn bản năng: Sex có quyền năng và hấp lực mãnh liệt nhưng không phải là giải pháp cho những xung đột đôi lứa. Cả hai có thể thỏa mãn chăn gối lúc ấy nhưng đôi bên làm sao thoải mái khi sự việc cứ thế tiếp diễn, khúc mắc vẫn không được giải tỏa. Kỹ năng giải quyết sự bất hòa đôi lứa có tầm quan trọng hơn cả kỹ năng giường chiếu và quyết định sự thành công của một cuộc hôn nhân.
Tương thích về tài chính: Bạn có biết về “lịch sử” thẻ tín dụng của anh ấy, các khoản nợ của cô ấy, anh ấy có phụ cấp nuôi con, cô ấy có nhận được trợ cấp nuôi con…? Để có cuộc sống gia đình “dễ thở”, bạn không nên bỏ qua tất cả những điều đó.
Gia đình và bạn bè thích người mới của bạn: Sự thật là tình yêu có khả năng làm lu mờ lý trí của người trong cuộc. Chính vì thế, bạn cần đến các vị “thẩm phán” công tâm và đáng tín như cha mẹ, anh chị, bạn bè… đặc biệt những khi chúng ta đang cơn vật vã, đau đớn trong tình yêu. Đừng bỏ qua ý kiến, cảm nhận về người mới của bạn, những điều bạn nên và không nên làm từ họ nhé.
Để tái hôn thành công…
- Không vội vàng khi quyết định đi thêm bước nữa.
- Đôi bên cần có thời gian để tìm hiểu kỹ càng về nhau.
- Học cách thỏa hiệp vì không phải lúc nào bạn cũng có được mọi thứ theo cách của bạn.
- Đừng lý tưởng hóa trong việc cố gắng trở thành một “siêu” cha mẹ kế.
- Chia sẻ những kỳ vọng của mỗi người hàng ngày.
- Cùng nhau làm sáng tỏ mọi điều, không lẩn tránh và cho qua các vấn đề mâu thuẫn trong mối quan hệ gia đình.
- Duy trì óc hài hước của bạn.
- Thành thật với nhau.
- Thiết lập những quy tắc nền tảng trong cách đối xử với con trẻ.
- Tuyệt đối không làm bẽ mặt chồng vợ cũ trước mặt trẻ con.
- Thảo luận rõ ràng về vấn đề tiền bạc trước khi tái hôn. Tài sản bạn ưu tiên dành cho con cái (phòng xa cả trong trường hợp tử vong) phải được rạch ròi và có tính pháp lý.
- Đối xử tốt và tôn trọng nhau.
- Rút kinh nghiệm, giải quyết ổn thỏa tất cả những vấn đề, hệ lụy từ cuộc hôn nhân đầu tiên.