Làm sao để chăm sóc ông bà, cha mẹ trong dịp Tết

Bắt bệnh của cơ thể qua những nếp nhăn trên mặt

Thời tiết ngày Tết thường giá lạnh, nhiều khi còn gặp mưa phùn, gió bấc ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt. Lạnh rét người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh cảm lạnh, cúm, viêm mũi, họng, viêm phế quản,… Do lạnh, các bệnh mạn tính cũng nặng lên như thấp khớp, loét dạ dày, tăng huyết áp; người bệnh tim mạch dễ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Ngày Tết việc ăn uống, nghỉ ngơi thất thường cũng làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

  • 1

    Ảnh hưởng của sinh hoạt ngày Tết với sức khỏe

    Mỗi khi Tết đến xuân về mọi gia đình Việt Nam đều đoàn tụ để đón xuân, mừng tuổi cho ông bà cha mẹ, cầu mong ông bà, cha mẹ luôn khỏe mạnh, sống lâu làm chỗ dựa về tinh thần, tình cảm cho con cháu yên tâm làm ăn, công tác và học hành tiến bộ. Có thể nói các bậc cha mẹ là tâm điểm để con cháu quan tâm chăm sóc trong ngày Tết. Song muốn chăm sóc tốt cho các bậc cao niên chúng ta cũng cần phải có những hiểu biết khoa học để vừa bồi bổ vừa bảo vệ được sức khỏe của các cụ.

    Năm hết Tết đến, mọi người, mọi nhà đều bận rộn, lo công việc, lo sửa soạn sắm Tết đón xuân nên đã thấm mệt. Trong những ngày Tết nề nếp sinh hoạt bị thay đổi: đi chơi thăm thú cũng nhiều mà tiếp khách cũng lắm; giờ ăn ngủ nghỉ ngơi bị đảo lộn, giấc ngủ trưa thường bị miễn, buổi tối thường thức khuya nên sáng không thể dậy sớm; chuyện tập luyện dưỡng sinh hay đi bộ thường ngày cũng chẳng thể duy trì trong ngày Tết. Thế là các bậc cao niên sức chịu đựng có hạn vì thế mà đổ bệnh chẳng còn màng đến Tết.

     

     Những bữa cỗ thịnh soạn, ăn quá no không có lợi cho sức khỏe người cao tuổi

    Thức ăn ngày Tết thường là “mâm cao cỗ đầy” rất sung túc nhiều của ngon vật lạ: nào giò, nem, ninh, mọc; nào thịt gà cá rán; nào chả lụa, thịt đông; nào bánh chưng, bánh tét; nào rượu, bia, chè tàu, thuốc lá; nào cà phê, nước ngọt, mứt, kẹo… thứ nào cũng nhiều, nhà nào cũng có, bữa ăn nào cũng thịnh soạn. Song có một đặc điểm cần lưu ý là hầu hết các thức ăn sẵn, để nguội, rất dễ bị ôi thiu. Khách và chủ nếu không làm chủ được “trong mọi tình huống”, rất dễ bị quá tải, làm cho cơ thể bị mệt mỏi, nhẹ cũng đầy hơi, chướng bụng khó tiêu; nặng thì bị “miệng nôn, trôn tháo”; các bệnh kinh niên mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch… thừa cơ bùng phát làm cho bản thân và con cháu mất Tết.

  • 2

    Chăm sóc bảo vệ sức khỏe người cao tuổi

    Muốn bồi dưỡng và bảo vệ sức khỏe trong dịp Tết các bậc cao niên cần lưu tâm những vấn đề sau:

    – Về mặc: mặc đủ ấm cả ban ngày lẫn ban đêm, chú ý đội mũ len, dạ để giữ ấm đầu; quàng khăn len, dạ, mút để giữ ấm cổ, ngực; đeo găng tay, tất chân để giữ ấm đôi bàn tay và đôi bàn chân.

    – Về nề nếp sinh hoạt: nên sắp xếp để các cụ được ăn, ngủ, luyện tập đúng giờ như ngày thường; sáng vẫn duy trì chế độ tập thể dục, tập dưỡng sinh hay đi bộ để khí huyết được lưu thông; không nên đi xa quá, không đi chơi khuya; đặc biệt những ngày trời rét hay mưa phùn gió bấc các cụ không nên đi ra ngoài mà chỉ nên ở trong nhà. Nếu dự tiệc vui xuân mà các cụ có uống chút ít rượu bia thì không nên ra gió hay ra ngoài trời khi vừa uống rượu, bia để tránh bị cảm lạnh.

    – Về ăn uống: luôn luôn đảm bảo ăn 3 bữa sáng, trưa, tối đúng giờ, bữa sáng không nên ăn muộn quá, bữa tối không nên ăn khuya quá; tránh quá bữa, bỏ bữa và cũng đừng ăn nhiều bữa quá; dù ngon miệng cũng chỉ nên ăn vừa no để dễ tiêu hóa; đối với người có bệnh tim mạch càng không nên ăn no quá vì khi ăn no máu phải dồn nhiều về dạ dày để giúp sự tiêu hóa, có thể làm cho cơ tim và não bị thiếu máu dẫn đến hậu quả là bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, có khi còn gây đột quỵ. Do đó không riêng các cụ mà mọi người nên thực hiện lời dạy của cổ nhân: “thực bán bão chung thân vô bệnh” tạm hiểu là “ăn nửa dạ suốt đời không có bệnh”.

  • 3

    Người cao tuổi nên dùng bữa như thế nào?

    Đầu bữa chỉ nên dùng chút rượu nhẹ như rượu vang đỏ là loại rượu có tác dụng tốt cho tuần hoàn, chống ôxy hóa, trung hòa được các gốc tự do, chống ung thư để khai vị. Đối với các cụ, những người dùng chung bữa không nên cố mời, cố ép các cụ uống rượu; bản thân các cụ cũng đừng vì quá vui bạn bè hay chiều lòng con cháu mà quá chén để tránh hậu quả khôn lường do say rượu bia.

    Nên ăn thịt nạc, cá, giò lụa, đậu phụ, cơm tẻ, rau các loại; nên dùng hoa quả, trái cây tươi để đảm bảo cho cơ thể đủ sinh tố và các chất khoáng, vi lượng, các loại vitamin là những chất chống ôxy hóa. Các loại rau lá xanh đậm như rau ngót, cải cúc (tần ô), súp lơ xanh, cà chua, cà rốt, rau gia vị như hành, tỏi, húng, mùi, thì là, thì mùi (ngò rí)…; các loại quả chín trong dịp Tết như cam, quýt, đu đủ, hồng, xoài, dưa hấu, vú sữa… có chứa nhiều vitamin A, B, C, E…, các chất chống ôxy hóa giúp cơ thể dễ tiêu, dẻo dai mạch máu, làm chậm quá trình lão hóa. Các chất xơ trong rau quả có tác dụng nhuận tràng và tăng thải trừ cholesterol. Cần chú ý nhắc các cụ uống đủ nước, tốt nhất là nước trái cây tươi như nước chanh, chanh leo, nước cam và thông dụng nhất là nước đun sôi để nguội.

    Không nên ăn các thức có nhiều mỡ như thịt đông, giò mỡ, giò thủ, thịt mỡ, lòng mề, tim, gan…; hạn chế ăn uống ngọt như các loại nước ngọt, bánh, mứt, kẹo… chỉ nên ăn ít bánh chưng, bánh tét.

    Như vậy trong những ngày xuân các cụ nên sắp xếp thời gian thích hợp, ăn nghỉ điều độ để giữ gìn được sức khỏe, vừa du xuân vui vẻ, lên chùa lễ Phật cầu may, vừa mừng tuổi được họ hàng nội ngoại, vừa sum vầy cùng con cháu, thăm thú bạn bè; nghỉ ngơi tĩnh dưỡng.