Khi mới mang thai, mỗi phụ nữ có những phản ứng khác nhau do thay đổi nội tiết. Có người thèm dưa chua, có người thích ăn kem nhưng phần lớn luôn trong trạng thái như say sóng.
Dưới đây là những triệu chứng phổ biến trong tam cá nguyệt đầu tiên và cách khắc phục:
Ốm nghén
Có tới 85% thai phụ bị buồn nôn và nôn, không chỉ là cơn nghén buổi sáng. Trong khi các chuyên gia chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây nghén thì hormone thai kỳ chorionic gonadotropin có thể là “thủ phạm”: càng nhiều hormone này trong cơ thể thì cảm giác buồn nôn càng tăng. Nhưng đó không phải điều xấu bởi các nghiên cứu cho thấy, đó là loại hormone giúp giảm sảy thai và sinh non.
Cách giảm nghén:
– Ăn thường xuyên nhiều bữa nhỏ trong ngày: Bữa nhỏ thì dễ tiêu hóa và làm dạ dày luôn đầy (buồn nôn sẽ nặng hơn khi đói). Bạn có thể ăn bất cứ thứ gì miễn là chúng lành mạnh. Nếu chỉ ăn phômai với bánh mỳ trong vài ngày thì hãy đổi sang thứ khác, ngon miệng hơn.
– Thử B6: Vitamin B6 có tác dụng giảm nghén nhưng phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Chán hoặc thèm ăn
Chán hay thèm ăn là điều khó đoán khi mang thai. Có đến 80% thai phụ thèm những đồ ăn mà trước đây họ không màng tới. Nếu đó là đồ ăn an toàn, bạn có thể thưởng thức. Nhưng nếu lúc nào bạn cũng chỉ muốn khoai tây rán với kem thì cần đề ra một nguyên tắc hạn chế: không quá 1 que kem hay 1 gói khoai tây rán mỗi ngày.
Với chứng sợ đồ ăn, hãy tìm ra thực phẩm thay thế dễ chịu nhất:
– Nếu bạn không thể uống sữa, hãy thay thế sữa bằng phômai hay sữa chua. Và đừng ngại chối từ món bánh sữa, soup sữa…
– Nếu bạn không thể nuốt trôi rau, hãy tăng loại quả giàu vitamin như xoài, dưa hấu…
– Nếu ghê mùi thịt, có thể chuyển qua ăn đậu. Hoặc ẩn thịt bò, thịt gà trong soup, canh, nước sốt hay các món hầm.
Nhạy cảm với mùi
Nhiều phụ nữ thấy họ nhạy cảm với mùi hơn kể từ khi có “tin vui”. Điều này có lợi vì nó giúp bạn phát hiện và tránh xa đồ ăn có chất độc hại, có vi khuẩn mà có khả năng gây hại cho bào thai.
Mệt mỏi
Cảm giác mệt 24 tiếng/ngày là một trong nhiều tác dụng phụ dễ gặp của thai kỳ. Cơ thể mẹ phải làm việc hết công suất để thúc đẩy tăng trưởng bào thai: buồng trứng sản xuất progesterone, lượng máu tăng lên 50% do phải cung cấp máu cho thai.
Một thủ phạm ẩn của mệt mỏi là thiếu máu. Bổ sung sắt vì thế mà cần thiết để sản xuất đủ tế bào máu cho bé. Nếu bạn không đủ sắt, bạn sẽ có những triệu chứng sức khỏe cảnh báo. Thông thường ở lần khám thai đầu, bác sĩ sẽ kiểm tra xem bạn có thiểu sắt không. Nếu thiếu, bạn sẽ được đề nghị bổ sung.
Vài gợi ý chống mệt mỏi là:
– Hãy vận động: Ngay cả khi tất cả những gì bạn muốn làm là nằm dài trên sofa thì bạn cũng nên đi bộ ngắn hoặc đứng dậy vươn vai. Hai mươi phút/lần, vài lần/tuần với những bài tập nhẹ nhàng giúp bạn khỏe mạnh hơn.
– Bổ sung vitamin trong thai kỳ: Nó giúp hạn chế chứng thèm đồ ăn lạ do thiếu chất; đồng thời, nó còn chứa sắt giúp đánh bại mệt mỏi.
– Giấc ngủ: Hãy đi ngủ sớm, dậy muộn hơn và có giấc ngủ ngắn khi có thể. Nếu phải làm việc cả ngày, hãy dành 15 phút cho giấc ngủ trưa.
Khó thở
Phụ nữ mang thai hít vào sâu hơn, giúp cung cấp oxy cho lượng tế bào máu vượt trội. Dù vậy nhưng cũng không ngạc nhiên khi bạn cảm thấy khó thở, một phần vì bào thai chuyển lượng khí carbon dioxide nhiều hơn cho bạn.
Nhức đầu
Luợng đường huyết thấp (do trao đổi chất thay đổi) và giảm lưu thông máu lên não có thể là nguyên nhân gây đau đầu. Nếu bị nhức đầu, có thể dùng gạc (túi chườm) ấm hoặc mát xoa lên thái dương và hít thở không khí trong lành. Nếu mắc chứng đau nửa đầu, bạn cần nói chuyện với bác sĩ.
p{ line-height: 1.5; margin-bottom: 10px; }