Ảnh: LiveScience |
Nếu bạn muốn rình bắt một con vật nào đó, có lẽ bạn nên từ từ đạp xe hơn là rón rén chân. Đó là thủ thuật mà cô con gái trẻ của nhà tâm lý học Niko Troje đã thực hiện, khi rình bắt những con thỏ hoang ở gần nhà. Nhưng cả cô bé và Troje đều không hiểu vì sao xe đạp lại ít gây động hơn cho các con thỏ.
Trong một nghiên cứu mới, Troje và cộng sự tại Đại học Queen đã tìm hiểu con người phát hiện và giải mã các cử động như thế nào, để từ đó suy ra con vật.
Họ ghi hình những con mèo, chim bồ câu, và con người, tập trung vào một số cử động. Khi xem cuốn băng được số hoá, mọi người có thể dễ dàng nhận ra kích cỡ con vật và hướng đi của nó.
Mọi việc trở nên khó hơn khi các hình ảnh bị đảo lộn ngược và mọi người không thể nhận biết trái phải dựa trên sự dịch chuyển. Có vẻ như con người, cũng như nhiều loài động vật khác, được đào tạo để giải mã cử động chân theo một cách nhất định.
“Chúng tôi tin rằng sự chọn lọc hình ảnh này được áp dụng để nhận ra sự xuất hiện của động vật, dựa trên sự cử động chân và lực hấp dẫn“, Troje nói.
Các nhà khoa học cho rằng cơ chế phát hiện sự di chuyển này là một phần của hệ thống tiến hoá lâu đời, giúp động vật nhanh chóng phát hiện ra kẻ thù hoặc con mồi ở gần. Các nghiên cứu khác cho thấy kể cả một con gà mới nở cũng sử dụng hệ thống phát hiện này. Có vẻ như bộ não đã được lập trình sẵn cho kiểu nhận dạng đó.
Một số loài thú săn mồi, như mèo, bò trườn để đánh lừa sự cử động chân, giúp chúng săn mồi tốt hơn. Nghiên cứu cũng lý giải nỗi sợ hãi bản năng đối với các loài rắn, côn trùng, nhện… – những loài vốn không có kiểu di chuyển khớp với cơ chế phát hiện thông thường.
M.T.
Theo Livescience, VnExpress