Phòng thí nghiệm JPL của NASA cho biết hành tinh này, quay quanh quỹ đạo một ngôi sao và được đặt tên WASP-12b, là hành tinh giàu carbon đầu tiên được quan sát thấy từ trước tới nay.
Ảnh minh họa hành tinh WASP-12b và ngôi sao chủ của nó – (Ảnh: NASA)
Trên tạp chí khoa học Nature, các nhà thiên văn học nêu giả thuyết có thể WASP-12b chứa graphite, kim cương, thậm chí là một hình thức kỳ lạ khác của carbon, ở trong nó, bên dưới các tầng khí.
Theo JPL, hiện các nhà thiên văn học chưa có công cụ hay kỹ thuật đủ hiện đại để quan sát nhân của các hành tinh quay quanh các ngôi sao ngoài Mặt trời, nhưng giả thuyết của họ không phải không có khả năng xảy ra.
Các nhà nghiên cứu cũng ủng hộ giả thuyết có thể vẫn còn có các hành tinh đá giàu carbon nhẹ hơn WASP-12b đang tồn tại quanh các ngôi sao khác.
Carbon là một thành phần phổ biến của các hệ hành tinh và là thành phần chủ yếu của sự sống trên Trái đất. Các nhà thiên văn học thường đo tỉ lệ carbon/oxy để đánh giá thành phần của một ngôi sao.
Mặt trời của chúng ta có tỉ lệ carbon/oxy vào khoảng 1/2 và đến nay chưa có hành tinh nào trong Hệ Mặt trời được ghi nhận có nhiều carbon hơn oxy (hiện các nhà thiên văn học chưa đo được tỉ lệ carbon/oxy trên sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương).
Theo Tuổi trẻ